Kép đóng đào, đào đóng kép trên sân khấu xưa

07/05/2017 10:00 GMT+7

Vở chèo Quan Âm Thị Kính, các thầy chèo đã sử dụng thủ pháp nhân vật giả trai. Việc thầy chèo cho Thị Kính giả làm trai nhằm hai mục đích, một là tạo ra tình huống gây cười và làm bật tính cách của Thị Mầu qua đó nói lên khát vọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Còn kép đóng đào thì xuất hiện từ thời nhà Lê.

Kép đóng đào vì quan niệm Nho giáo
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Thời nhà Trần đời vua Dụ Tông năm thứ 12 (1369) có người anh cả là Cung Túc Vương Nguyên Dục khi xem vợ chồng người phường chèo tên là Dương Khương diễn tích Vương mẫu hiến bàn đào, Nguyên Dục mê vợ Dương Khương trẻ đẹp hát hay đã cưỡng ép làm vợ trong khi nàng đang mang thai. Sau khi nàng sinh con trai đã nhận đứa bé là con mình đặt tên là Trần Nhật Kiên”. Lấy vợ con hát khi đang mang thai, tước quyền làm bố của người khác thì quá đáng hết chỗ nói. Nhưng đến thời nhà Lê, triều đại mà các nhà sử học gọi là quân chủ Nho giáo thì các vua đối xử với con hát còn tệ hơn. Theo quan niệm của Nho giáo, xã hội chỉ có 4 nghề là “sĩ, nông, công, thương”, con hát xướng không thuộc 4 nghề trên nên bị xếp vào loại vô loài (loại). Song nguyên nhân chính là các vua Lê theo nhã nhạc, phẩm phục, tang lễ... Trung Hoa nên cấm các điệu dân gian Lý Liên (Thanh Hóa gọi là Rí Ren). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lê Thánh Tông đã đuổi chèo ra khỏi cung đình vì hay châm biếm người khác”. Trong một bài viết, nhà nghiên cứu và biên khảo văn hóa dân gian Toan Ánh cho rằng: “Trong diễn xướng có khi cha lại đóng con, con lại đóng vai cha hay vợ đóng vai mẹ, mọi thứ lộn tùng phèo nên bị ghét và coi rẻ.”
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1462 vua Lê Thánh Tông quy định: “Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch ngụy quan, có tiếng xấu bản thân và con cháu không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người khác làm hộ thì trị tội theo luật”. Lê Thánh Tông đưa ra 24 huấn điều, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, điều 1 ghi: “Cha mẹ dạy con phải đúng khuôn phép hợp với lẽ phải: con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được buông tuồng đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng để hại đến phong tục”. Còn điều 16 ghi: “Khi hát chèo, lúc hội hè trai gái đến chơi xem không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô”, đúng với quan niệm Nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân”. Tuy nhiên, huấn điều chưa thể khống chế được hát xướng nên Lê Thánh Tông lại ban sắc lệnh mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã chép: “Phàm ai là người lương thiện mới chuẩn y cho nộp thóc và trao cho quan tước, nếu là kẻ ác nghịch, trộm cướp, hào cường ngỗ ngược và phường chèo con hát thì bản thân họ và con cháu họ không được dự”. Không chỉ huấn điều, sắc lệnh mà ngay trong Lê Triều hình luật cũng quy định: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý, quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị phạt đánh 70 trượng, con cháu nhà quan chức lấy con gái nhà xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt ly dị”.
Đào Duy Từ (1572 - 1634) có cha làm nghề ca hát nên ông không được thi dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Bất bình, ông bỏ vào nam gây dựng sự nghiệp. Nhận ra ông là nhân tài nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, phong tước Lộc Khê Hầu; được vua Minh Mạng truy tặng là bậc khai quốc công thần, cho thờ tại Thái Miếu. Vì những quy định nghiệt ngã đó nên các vở tuồng có đề tài quân quốc (trung quân ái quốc) phải dùng kép để đóng đào.
Thời thế thay đổi, những quy định với con hát có phần bớt nghiệt hơn. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Từ khi bà Trương Thị Ngọc Chủ, là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tần Quang Vương sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương), Biện trưởng cung, người ở Á Lữ sau lại đắc sủng với Nhân Vương nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển loạn cũng thường có dòng họ hát xướng mà phát đạt lên nên những kẻ sĩ phu cũng giao du tự nhiên và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình từ đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác”. Tuy nhiên những quy định trước đó vẫn như luật bất thành văn khiến các gia đình không cho con gái theo nghề hát, do vậy ở các vở tuồng, có nhân vật nữ, các thầy tuồng vẫn phải dùng kép đóng đào.
Đào đóng kép vì thiếu kép
Đầu những năm 1950, các nam nghệ sĩ nổi tiếng như: Tư Út, Từ Anh đột ngột qua đời chỉ còn lại nghệ sĩ Năm Châu. Đoàn Phụng Hảo thiếu kép tài năng để đóng các vai diễn khó nên nữ nghệ sĩ Phùng Há bàn với nghệ sĩ Năm Châu để bà đóng thử vai An Lộc Sơn khi dựng vở Đường Minh Hoàng du nguyệt điện đang ăn khách. Nghệ sĩ Năm Châu tin tưởng tài năng diễn xuất của Phùng Há nhưng băn khoăn: giọng đào giả kép có thuyết phục khán giả không? Ở tình thế khán giả đang chờ đợi tuồng mới của đoàn Phụng Hảo nên Năm Châu đành phải gật đầu. Và An Lộc Sơn do Phùng Há đảm nhận đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Thành công đó đã mở ra đường đi mới cho nghệ sĩ Phùng Há, sau đó bà vào nhiều vai dành cho kép, và một trong những vai tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người hâm mộ là Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình. Từ đó cho đến nay, nhiều đoàn hát đã dùng đào đóng kép, ngoài hiệu quả nghệ thuật còn gây cảm hứng cho khán giả.
Từ giữa năm 1964, khán giả thích cải lương ở miền Nam có sự thay đổi, họ thích cười hơn và không muốn khi ra khỏi rạp phải suy nghĩ nhiều. Nắm bắt tâm lý này các soạn giả đã cho ra đời nhiều soạn phẩm có tính hài hước mà tiên phong là đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Vở đầu tiên Thanh Minh - Thanh Nga dựng là Vàng sáu bạc mười thu hút rất đông khán giả. Thừa thắng xông lên, Thanh Minh - Thanh Nga dựng tiếp vở Hoa Mộc lan và Tình nở đào hoa thôn (phỏng theo phim Tình nở hoa đào của Hồng Kông) trong đó có nhân vật trai giả gái, gái giả trai. Một cách công bằng các soạn giả sử dụng thủ pháp này là từ vai Lang Ba trong phim Hoa Mộc Lan. Cải lương diễn thiên về hài là không dễ bởi bên cạnh giọng xuân lại có cả giọng ai nên chỉ có thể xen vào những lớp hài phù hợp với hoàn cảnh và tình huống trong vở. Nắm bắt được đặc điểm này, hai soạn giả Ngọc Huyền Lan và Viễn Châu soạn theo cách riêng, bắt đúng mạch tâm lý khán giả. Rút kinh nghiệm từ Hoa Mộc Lan, hai soạn giả đã khai thác triệt để mọi tình huống gây cười. Hầu hết các vai chính trong vở không ít thì nhiều mang sẵn tính hài hước, chẳng hạn trai giả gái, gái giả trai lấy vợ lấy chồng lầm lẫn lung tung.
Thấy thủ pháp trai giả gái, gái giả trai gây cười cho khán giả, các đoàn cũng bắt chước Thanh Minh - Thanh Nga và cho đến nay nhiều tiểu phẩm trên sân khấu hay truyền hình vẫn ăn theo người xưa. Tuy nhiên, nó đang bị lạm dụng cho thấy sự lười biếng trong sáng tạo của diễn viên và sự tùy tiện đã gây ra phản ứng ngược của khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.