Kép lão chinh phục khán giả ở giải Trần Hữu Trang

Hoàng Kim
Hoàng Kim
28/10/2020 14:56 GMT+7

Đêm 27.10 là đêm thi thứ hai của giải Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 (gọi tắt giải Trần Hữu Trang). Thật bất ngờ, khi các thí sinh đóng kép lão lại chinh phục khán giả.

Nếu đêm thi giải Trần Hữu Trang đầu tiên 26.10 các tiết mục đa số là lịch sử, cổ trang, thì đêm 27.10 lại tập trung vào các trích đoạn vở cách mạng. Trong đó, các nhân vật anh hùng là những người dân một lòng theo kháng chiến như ông Tám Khỏe (Người ven đô), một cô đảng viên Nguyễn Thị Hạnh dù bị khai trừ Đảng nhưng vẫn bám trụ chiến đấu (Người không cô đơn), một cô giao liên tên Hiền nén lòng yêu đương, chịu cách xa nhau để mình và người yêu tập trung cho nhiệm vụ (Huyền thoại tình yêu), hoặc một ông bầu gánh hát kiên quyết không chịu viết tuồng phản bội cách mạng, dù chết cũng giữ gìn khí tiết (Miền nhớ). 

Thanh Toàn vai ông Tám Khỏe (trái), Tấn Lộc vai cố vấn Mỹ trong trích đoạn Người ven đô

ẢNH: H.K

Diễn viên Thanh Toàn vốn đoạt Chuông vàng Vọng cổ 2015 với chất giọng rất đẹp, nhiều MV của anh trên kênh youtube có khán giả rất đông, nhưng lần này anh dự thi vai kép lão, nhân vật ông Tám Khỏe bị giặc Mỹ bắt, tra tấn, lấy những đứa con của ông ra làm áp lực để ông tuyên bố “ly khai với Việt Cộng”. Một tiếng nói của người cách mạng lão thành như ông sẽ khiến lòng dân tan nát, không còn sức chiến đấu. Mất mạng không tiếc, nhưng ông không dám nhìn cảnh những đứa con bị hành hình dã man, thế là ông tuyên bố. Từ đó, nỗi oan khiên đeo đẳng, ông trở nên cô đơn giữa xóm làng, đồng chí. Đây là nhân vật nổi tiếng với tài diễn xuất của NSND Tám Vân, nhưng ở đây Thanh Toàn mới 30 tuổi, sự trải nghiệm cuộc đời liệu có đủ tải sức nặng của nhân vật? Vậy mà Thanh Toàn đã chững chạc đi qua những cung đường khó khăn, diễn xuất hấp dẫn, giọng ca thì không mẻ, không hư một âm nào, biết chuyển từ giọng kép đẹp sang giọng kép lão, thấy già nua đó nhưng vẫn mượt mà, ấm áp. Phần trả lời câu hỏi vấn đáp của ban giám khảo, anh có nhiều chi tiết cặn kẽ, thực tế, ai cũng khen.

Hải Linh vai ông bầu gánh hát (trái), Lê Duy vai tình báo trong trích đoạn Miền nhớ

ẢNH: H.K

Kép lão thứ hai khiến khán giả vỗ tay không ngớt là diễn viên Hải Linh trong vai ông bầu gánh hát. Ngoại hình cao ráo, thanh lịch, đúng chất trí thức, Hải Linh đã thể hiện một nghệ sĩ với tính công dân nghiêm túc. Không hề là “xướng ca vô loài”, mà ông bầu đã ý thức được vận mệnh quốc gia, và đã chiến đấu bằng ngòi bút, bằng những vở tuồng sắc sảo. Giặc đã đập nát đôi tay của ông, nhưng ông đã viết tuồng bằng cách ngậm lấy cây bút mà thảo những dòng tâm huyết. Cuối cùng tiếng súng vang lên, ông chết nhưng đứng thẳng, như một tượng đài khắc vào lịch sử. Hải Linh có giọng ca đẹp và vũ đạo khá tốt, hóa thân thành những nhân vật lịch sử mà ông bầu đã viết.
Một bất ngờ nữa là cô đào Diễm Thanh hóa thành người mẹ khùng khùng trong trích đoạn Diều ơi đã khiến người xem rơi nước mắt. Phải nói là Diễm Thanh đã có một vai quá hay để vượt lên bản thân. Cô kể: “Khi tôi xem vở kịch Diều ơi của anh Hữu Quốc tại Sân khấu 5B, tôi đã mê say và mơ ước mình được đóng vai cô Nhớ. Thế là anh Hữu Quốc chuyển thể cải lương cho tôi một trích đoạn để dự thi”. Quả là NSƯT Hữu Quốc có tài viết lẫn dàn dựng, đã đẩy Diễm Thanh bật sáng. Diễm Thanh ca diễn rất tốt, nhưng quan trọng là tâm hồn cô đã thấm đẫm vào hồn của nhân vật, khán giả cẩm nhận được sự chân thật của cô. Chợt nhớ câu nói của cố NSND Năm Châu về một sân khấu Thật và Đẹp. Diễm Thanh đã đạt được hai chữ ấy.

Hải Yến (trái) vai Lý Chiêu Hoàng, Thu Trang vai Trần Thị Dung trong trích đoạn Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng

ẢNH: H.K

Diễn viên Hải Yến đến từ Hà Nội là ấn tượng tuyệt đẹp, bởi thanh sắc đều rạng ngời cùng phần thi vấn đáp trả lời rất hay. Một cô đào sáng trưng trên sân khấu, vào vai Lý Chiêu Hoàng vừa sang trọng, uy nghi đúng phẩm chất hoàng gia, vừa u uất đau buồn vì nổi trôi giữa vòng vây phong tỏa của Trần Thủ Độ. Lý Chiêu Hoàng bị ép chia tay với Trần Thái Tông (Trần Cảnh) nhường chồng cho chị. Mất ngai vàng, mất cả tình yêu, và có thể nói mất luôn tình cảm gia đình, bởi người cha yêu dấu là Lý Huệ Tông bị bức tử, còn mẹ là Trần Thị Dung thì trở thành vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Lý Chiêu Hoàng quả là một hồng nhan bạc phận. Thậm chí, đứa con với Trần Cảnh mới chào đời cũng chết non khi vừa cất tiếng khóc oe oe. Vì vậy, những u uất của nàng khiến người ta đau đớn dõi theo, thương cảm tận cùng. Hải Yến đã ca diễn rất chuẩn mực, đẹp từ dung mạo đến từng động tác thể hình, nhất là giọng ca khỏe khoắn nhưng không phô, không áp đảo người nghe, vẫn mềm mại, ngọt ngào. Ngay cả người phụ diễn cho cô trong vai Trần Thị Dung là NSƯT Thu Trang cũng đẹp và ca diễn rất tốt, làm khán giả yêu mến cải lương đất Bắc. Cải lương có cái nôi là miền Nam và khi phát triển ở miền Bắc đã có những thành quả đáng kể, khiến cho cải lương được yêu chuộng khắp cả nước.
Ở giải Trần Hữu Trang lần này, với các tiết mục như vậy, thí sinh không được hỗ trợ bằng trang phục rực rỡ hay son phấn đẹp đẽ như tuồng cổ trang, lịch sử, mà chỉ ăn mặc rách rưới hoặc vải vóc thô sơ, mặt mày có khi còn vết bầm, tóc tai bù xù… Vì vậy họ phải tận lực tỏa sáng bằng chính nội lực ca diễn để chinh phục người xem. Những tràng pháo tay không dễ kiếm chút nào, ấy vậy mà pháo tay vẫn vang lên không ngớt, thế mới cảm động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.