Kết hôn giả để được chuyển nhượng biển số xe ở Bắc Kinh

21/03/2017 21:36 GMT+7

Nhiều người sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) kết hôn giả chỉ để được chuyển nhượng lại biển số xe hơi nhằm đối phó với chính sách thắt chặt đăng ký mới.

Tờ The Wall Street Journal ngày 20.3 phản ánh tình trạng hàng triệu người sống tại Bắc Kinh có đủ tiền nhưng không thể mua xe hơi do chỉ tiêu đăng ký mới rất ít.
Nhiều người chọn lựa kết hôn với người đăng ký được biển số xe chỉ để nhận chuyển nhượng lại biển số. Bắc Kinh quy định biển số xe không mua bán được nhưng lại có thể chuyển nhượng giữa vợ chồng với nhau.Việc đăng ký xe cực kỳ khó khăn và yêu cầu đăng ký vào hệ thống chọn lựa ngẫu nhiên như xổ số với chỉ tiêu ít ỏi và chỉ tổ chức 6 lần hàng năm. Gần 1.000 người đăng ký mới có được 1 người thành công.
Một người đàn ông họ Lưu quê ở Tân Cương hiện sống với gia đình tại Bắc Kinh gần đây đã đăng trên mạng rằng mình sẵn sàng trả tiền kết hôn giả để nhận chuyển nhượng biển số xe. Ông Lưu đã đăng ký suốt 3 năm qua nhưng vẫn chưa thành công.
“Nhiều người cũng rao trên mạng như vậy. Nhiều người bạn tôi có được biển số xe theo kiểu đó”, ông Lưu nói.
Quảng cáo mua bán biển số xe trên mạng luôn tràn ngập các diễn đàn ở Bắc Kinh. Có khoảng 20 nhóm trao đổi về chủ đề này trên trang mạng xã hội QQ và hàng trăm người tìm cách kết hôn giả kiểu này.
Giá chuyển nhượng thường từ 80.000 nhân dân tệ (264 triệu đồng), tương đương với thu nhập trung bình hàng năm ở Bắc Kinh vào năm 2015.
Số lượng xe hơi ở Bắc Kinh tăng gần gấp đôi so với năm 2006 và sắp đạt con số 6 triệu chiếc. Chính quyền bắt đầu áp dụng quy định đăng ký kiểu xổ số từ năm 2011.
Một nhân viên IT 35 tuổi họ Đường đã đăng ký được 1 biển số vào năm 2010 trước khi có quy định trên. Ông ta đã di chuyển đi nơi khác vào năm ngoái và đang muốn bán lại biển số.
Hiện ông đang rao trên mạng sẵn sàng kết hôn để hợp thức hóa việc chuyển nhượng biển số xe với giá 110.000 nhân dân tệ (363,4 triệu đồng). Nhưng ông ta vẫn không vội vì đang chờ đến lúc đăng ký biển số khó khăn hơn để được giá cao hơn.
Năm ngoái, Bắc Kinh giới hạn tổng lượng xe hơi là 6 triệu chiếc vào năm 2017 và 6,3 triệu vào năm 2020, có nghĩa là mức tăng sẽ còn ít hơn trong những năm tới.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Trung Quốc lợi dụng hôn nhân để lách luật. Năm ngoái, một số cặp đôi ở Thượng Hải đã đua nhau đi ly hôn nhằm lợi dụng chính sách giá nhà rẻ cho người lần đầu mua nhà.
“Hôn nhân ở Trung Quốc ngày nay có khuynh hướng vụ lợi và thực dụng”, nhà nghiên cứu Mã Xuân Hoa tại Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.
Việc ông Đường kết hôn để bán biển số xe không có trở ngại gì vì ông đã ly hôn. Nhưng ông Lưu đã kết hôn nên mọi chuyện phức tạp hơn. Ông sẽ phải ly hôn, sau đó kết hôn với người có biển số để nhận chuyển nhượng. Sau đó ông sẽ ly hôn để kết hôn lại với người vợ “thật” của mình.
“Điều này không ảnh hưởng đến mối quan hệ với vợ tôi. Chúng tôi có mối quan hệ tốt nên chúng tôi không quan tâm. Cả hai đều biết rằng việc ly hôn chỉ là để có được biển số xe”, ông này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.