Kết luận về 2 công văn đóng dấu 'mật' trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'

25/10/2024 10:21 GMT+7

Cơ quan tố tụng kết luận về 2 công văn của Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao có đóng dấu 'mật' trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2.

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, bị can Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ công an) là người duy nhất bị Viện KSND tối cao truy tố tội che giấu tội phạm.

Người có hành vi phạm tội được ông Thông che giấu là Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa, đã bị tuyên phạt 18 năm tù về tội đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn 1 của vụ án.

Kết luận về 2 công văn đóng dấu 'mật' trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'- Ảnh 1.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 có 17 bị can bị truy tố (ảnh minh họa)

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Kết luận về 2 công văn đóng dấu "mật"

Theo cáo buộc, ông Thông đã hướng dẫn để ông Tuấn khai báo gian dối, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra. Hành vi này của cựu công an đã gây cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 1.

Trước khi diễn ra việc hướng dẫn khai báo, giữa ông Thông và ông Tuấn từng có thời gian dài "qua lại" liên quan đến việc cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Ông Tuấn nói mình có mối quan hệ và nhờ được 4 bộ trong tổ công tác 5 bộ (Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an). Riêng Bộ Công an, ông Tuấn nhờ ông Thông kết nối, tác động đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để giúp các công ty mà ông Tuấn đứng ra làm trung gian sớm được tổ chức chuyến bay.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cuộc ngã giá để nhận hối lộ tiền tỉ

Trong năm 2021, ông Tuấn nhiều lần gửi cho ông Thông ảnh chụp các văn bản về chủ trương, kế hoạch tổ chức các chuyến bay, văn bản đề nghị của một số doanh nghiệp, văn bản của UBND và Sở Y tế TP.Hà Nội đồng ý tiếp nhận, cách ly y tế…

Đặc biệt, cơ quan tố tụng xác định trong số văn bản mà ông Tuấn gửi cho ông Thông có 2 công văn của Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đóng dấu "mật". Về phía mình, ông Thông cũng nhắn tin trên nhóm Zalo, có nội dung "Sơn cũng bị khởi tố bắt giam rồi".

Kết quả điều tra đến nay xác định không có dấu hiệu của việc lộ lọt bí mật công tác. Riêng với 2 công văn photocopy có đóng "mật" của Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao, qua xác minh tại 2 cơ quan này cho thấy các tài liệu trên không phải là tài liệu bí mật nhà nước.

Cơ quan tố tụng vì thế kết luận không có cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Tuấn và ông Thông về hành vi làm lộ bí mật nhà nước.

Kết luận về 2 công văn đóng dấu 'mật' trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'- Ảnh 2.

Các bị cáo bị xét xử trong giai đoạn 1 vụ án "chuyến bay giải cứu"

ẢNH: PHÚC BÌNH


Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ, cho họ hàng nhà vợ vay 11 tỉ

Ở giai đoạn 1 vụ "chuyến bay giải cứu", ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị tuyên án chung thân với cáo buộc nhận hối lộ hơn 42 tỉ đồng để ưu ái cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Kiên khai sau khi nhận tiền hối lộ đã chuyển cho một người tên Đông vay hơn 11 tỉ đồng để kinh doanh.

Mở rộng điều tra giai đoạn 2, cơ quan tố tụng đã làm rõ nhân thân, lai lịch của người tên Đông nói trên. Theo đó, người này là họ hàng bên vợ của ông Kiên, cổ đông của một công ty xuất nhập khẩu. Việc hai bên vay mượn tiền là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Một nội dung khác được đề cập trong cáo trạng vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, là việc tham mưu, đề xuất, phê duyệt chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19 không thông qua tổ công tác các bộ, ngành.

Cơ quan tố tụng xác định, ông Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực) và một số cá nhân tại Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ doanh nghiệp xin tổ chức chuyến bay, sau đó đề xuất ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, không thông qua tổ công tác các bộ, ngành.

Với quy trình trên, các doanh nghiệp được phê duyệt tổ chức 86 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Ông Linh và một số cá nhân qua đó nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng, đều đã bị xét xử ở giai đoạn 1.

Theo Viện KSND tối cao, việc tham mưu, đề xuất, phê duyệt chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19 không thông qua tổ công tác các bộ, ngành là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, kết quả điều tra không xác định được hậu quả thiệt hại; các cá nhân có liên quan không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.