|
Cuộc thi đã nhận được 1.789 bài thi bằng nhiều thứ tiếng như Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga… Thanh Niên xin trích giới thiệu bài viết đoạt giải nhất của tác giả Laxmisha Rai Arvar Ragunatha (ảnh, phải):
“Tôi có một số ý kiến và giải pháp để phát triển những giá trị của Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến. Đầu tiên, những câu chuyện, truyền thuyết về các vị vua, những di tích lịch sử văn hóa phải được kết nối và có mối liên hệ với lịch sử thế giới. Ví dụ những câu truyện cổ liên quan đến các vị vua hay những sự kiện lịch sử phải được phân chia, di tích lịch sử văn hóa phải được kết nối.
Nên dịch những tài liệu lịch sử ra nhiều thứ tiếng để người dân trên thế giới có thể hiểu hơn về lịch sử Việt Nam cũng như về nền văn minh cổ xưa cùng những giá trị văn hóa của Hà Nội. Hà Nội có trường đại học đầu tiên ở Việt Nam: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó thực sự là ngôi đền của tri thức và văn hóa trong lịch sử của Việt Nam. Như vậy, thật cần thiết phải có những công trình nghiên cứu để phát triển những giá trị cổ của Hà Nội đóng góp cho lịch sử và thế giới.
Ngành du lịch cũng cần được đẩy mạnh bằng nhiều cuộc triển lãm hàng thủ công, đồ ăn và những đồ vật có liên quan đến Hà Nội cổ. Người Hà Nội cần chú ý bảo vệ lịch sử của mình bằng tri thức cũng như mặc những trang phục truyền thống, ăn những món ăn gia truyền. Cần tổ chức những cuộc hội thảo, trưng bày với sự tham gia của các học giả và chuyên gia Việt Nam cùng những chuyên gia quốc tế để thảo luận việc làm thế nào để bảo tồn, khôi phục lại thủ đô và để hiểu hơn về lịch sử của Hà Nội.
Nên trưng bày những bức tranh về nhà cổ, những vị vua, vị thánh cùng những con vật như rùa, rồng, cá ở những điểm du lịch, viện bảo tàng để khách tham quan có thể ghi nhớ tầm quan trọng của những giá trị văn hóa, lịch sử Hà Nội.
Sẽ rất hữu ích nếu có sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật hiện đại khi sử dụng những phương tiện truyền thông, hệ thống rô-bốt... Kỹ thuật hiện đại sẽ giúp bảo vệ và phổ biến về thủ đô theo cách tốt hơn. Tôi chắc chắn rằng thành phố cổ này sẽ thực sự trở thành một trung tâm nghiên cứu khảo cổ học lớn.
Cuối cùng, tôi muốn tiếp tục bài thơ của mình được viết đầu tiên vào năm 2005:
Ôi! Thành phố cổ Hà Nội! bạn là thành phố vì hòa bình
Bạn có Nhà Rồng và sức mạnh của vua chúa
Bạn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tri thức
Bạn đã sống ngàn năm cùng sức mạnh linh thiêng
Bạn là trung tâm của hòa bình, tự hào và niềm vinh dự
Bạn là thành phố của những câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, bí ẩn
Sống mãi Hà Nội! Trong tâm trí, trái tim và linh hồn của mọi người”.
Giải đặc biệt được trao cho ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam. Giải nhất: Laxmisha Rai Arvar Ragunatha (Ấn Độ). Giải nhì: Chaplain Philippe (Pháp), Noiret Jean Louis (Pháp), Vi Đức Siêu (Trung Quốc), Pribykov Andrei (Nga), Sorotova Liudmila (Nga). BTC còn trao giải Tham gia nhiều năm cho thí sinh Huỳnh Albert (Pháp); 10 giải ba và 20 giải khuyến khích. (Minh Ngọc) |
Laxmisha Rai Arvar Ragunatha
Bình luận (0)