Rước bệnh vào người, ngay cả gia đình giàu có cũng dễ rơi vào cảnh khánh kiệt nếu điều trị dài ngày, huống hồ những bệnh nhân nghèo khó. Trước những hoàn cảnh thương tâm đó, năm 2004, các y bác sĩ của bệnh viện này đã chung tay lập nên chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cung cấp suất ăn miễn phí. Hàng nghìn suất ăn đến với bệnh nhân nghèo theo cách như vậy đã nhiều năm qua, trung bình mỗi tháng khoảng 450 suất ăn, mỗi suất trị giá 20.000 đồng. Bữa ăn miễn phí cũng được cung ứng vào các dịp lễ, tết. Địa chỉ này cũng là nơi chốn gắn kết các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện... để có được những khoản tiền mặt, quà san sẻ cho những người lâm cảnh thiếu tiền trang trải chi phí điều trị.
Điều hành hoạt động của chi hội là những y, bác sĩ trẻ, và họ "chuyển giao" hết thế hệ này đến thế hệ khác để câu chuyện tình người dọc các hành lang bệnh viện ngày một thêm ấm. Sau 5 kỳ đại hội, tất cả cán bộ, công nhân viên của bệnh viện đều trở thành... hội viên chi hội. Điều hành chi hội hiện giờ là bác sĩ Lê Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (chi hội trưởng), và 2 chi hội phó gồm bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng (khoa tai - mũi - họng), điều dưỡng Đào Giang Sơn (khoa cấp cứu). Ở mỗi khoa, chi hội đều thiết lập được "mạng lưới" để làm cầu nối hoạt động. Chính vì thế, khâu hỗ trợ, cung cấp và quản lý các suất ăn miễn phí được thực hiện khoa học, bài bản.
tin liên quan
Bệnh viện 'thông minh'Cách đây 3 năm, cứ vào sáng sớm tại các bệnh viện ở TP.HCM, bệnh
nhân rồng rắn xếp hàng lấy số thứ tự. Trong bối cảnh đó, mô hình khám
chữa bệnh “thông minh” ra đời.
Nhiều bệnh nhân nghèo khi cầm tấm phiếu đi nhận cơm ở căn tin bệnh viện hoặc 2 quán cơm trước cổng bệnh viện hoàn toàn không biết những ai đang giúp đỡ mình, và nguồn tiền từ đâu. Bởi "công đoạn" in phiếu, lập danh sách người bệnh, phát phiếu và sau đó thanh toán tiền cho bên cấp cơm... đều rất thầm lặng. Nhưng cấp phiếu cho ai đều "đúng người", vì chính các khoa có bệnh nhân điều trị đề xuất.
Nhưng để có những suất cơm tình nghĩa, chuyện "chạy ăn từng bữa" của chi hội cũng rất nan giải. Chi hội có 2 nguồn cố định, gồm khoản đóng góp của hội viên (4.000 đồng/tháng/người) và tiền ủng hộ từ 2 thùng quyên góp đặt trong bệnh viện. Bác sĩ Lê Mạnh Hà chia sẻ: “Chúng tôi không có nguồn kinh phí ổn định, không có nhà tài trợ nào cố định nên phải thường xuyên vận động anh em, bạn bè, bà con, các nhà hảo tâm gần xa hỗ trợ. Được đồng nào hay đồng đó. Khi không có ai hỗ trợ nữa thì kêu gọi chính người trong nhà". Chuyện "kêu gọi nội bộ" này từng được bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng áp dụng, thu vài triệu đồng, dù sao cũng giúp tạm cho những hoàn cảnh khốn khó, nhất là với bệnh nhân chạy thận phải điều trị dài ngày, chi phí lớn.
tin liên quan
'Báo động đỏ' cứu bệnh nhân nguy kịchQuy trình “Báo động đỏ” là giải pháp xử lý nhanh, khẩn, phối hợp nhiều chuyên khoa để cấp cứu kịp thời những bệnh nhân nguy kịch.
Trên mạng xã hội Facebook, khi gõ vào tài khoản "Bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo", mọi người sẽ biết thông tin công khai về nguồn tài trợ mà chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo ở bệnh viện này thiết lập. Điều dưỡng Đào Giang Sơn (chi hội phó) cho hay tài khoản Facebook này cũng mở ra cơ hội liên kết, chia sẻ với hy vọng được nhiều người biết đến chương trình thiện nguyện để chung tay giúp đỡ, nhất là với những trường hợp cụ thể được chọn giới thiệu. Nhiều nhà hảo tâm đã gõ cửa như Hội từ thiện Thiện Tâm (Đồng Hới) hỗ trợ 900 suất ăn/tháng, cộng đồng người Việt tại Cao Hùng (Đài Loan) chuyển về hỗ trợ 10 triệu đồng. "Chỉ riêng 9 ngày tết vừa rồi, chúng tôi nhận và chuyển tặng bệnh nhân 40 triệu đồng. Để hoạt động minh bạch, mỗi lần làm gì đều có sự chứng kiến của các thành viên", anh Sơn nói.
Nhìn những ánh mắt đau đáu khi kể về các hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện giúp đỡ, có thể nhận ra mối bận tâm của các thành viên chi hội. Họ ấp ủ quá nhiều dự tính muốn san sẻ với người bệnh, không phải ở khía cạnh chuyên môn mà đôi khi chỉ đến gần hơn "góc khuất" thầm lặng của cuộc sống: một bữa ăn dành cho người thiếu thốn.
Bình luận (0)