Kết quả tất yếu

19/09/2012 03:40 GMT+7

Có lẽ nhiều người đã không ngạc nhiên mà họ chỉ buồn trước thông tin Việt Nam tụt hạng về chỉ số trí tuệ. Với thực trạng giáo dục, môi trường học thuật như hiện nay… ai cũng biết trước được rồi kết quả sẽ như thế.

Việt Nam không thiếu những người tài giỏi và đầy khả năng sáng tạo.

Đó là sự thật đã được minh chứng. Hằng năm, học sinh Việt Nam vẫn đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Những cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp vẫn luôn có những sản phẩm, đề tài hay, đổi mới, mang tính ứng dụng cao. Ngay cả nông dân, công nhân vẫn có những  sáng chế độc đáo phục vụ cho công việc hằng ngày, giúp cải thiện năng suất lao động… Có nghĩa là, xét trên tổng thể, Việt Nam có những yếu tố tiềm ẩn về khả năng phát triển trí tuệ. Thế nhưng nước ta vẫn lẹt đẹt đi sau nhiều nước trong khu vực trên lĩnh vực sáng tạo và đổi mới. 

Môi trường học thuật là yếu tố quan trọng nhất cho sự sáng tạo và đổi mới. Thế nhưng điều này còn quá yếu ở Việt Nam. Không thể là mảnh đất ươm mầm tài năng khi thầy trò một trường phổ thông tỉnh đoạt giải thưởng về sáng kiến bảo vệ môi trường cấp quốc gia phải tự chạy tìm tiền làm lộ phí ra thủ đô nhận giải. Tìm đâu ra những nghiên cứu khoa học có giá trị khi mà mối quan tâm chính của phần lớn các trường ĐH từ lớn đến nhỏ hiện nay chỉ là làm sao để có đủ sinh viên vào học. Làm thế nào để khuyến khích giảng viên các trường ĐH đăng bài báo trên các tạp chí khoa học có giá trị trên thế giới khi cách tính điểm phong học hàm phó giáo sư, giáo sư chênh lệch không đáng kể giữa một bài báo đăng trên tập san của trường trong nước và quốc tế. Không thể động viên giảng viên phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học khi nếu chỉ đi dạy hoặc tập trung vào chuyên môn thì lương không đủ sống. Kết quả tất yếu là Việt Nam ngày càng bị bỏ xa trong lĩnh vực này. Số liệu mà GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Chỉ so sánh với Thái Lan, từ năm 2002 - 2011, nước này công bố được 35.588 bài báo khoa học trên các tập san trong hệ thống ISI, cao gấp 4,5 lần so với Việt Nam. Trong 10 năm qua, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ bằng 22% của Thái Lan. Trong những lĩnh vực khoa học công nghệ cao hay tương đối cao, số công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Thái Lan. Với tỷ lệ này, theo dự báo của GS Tuấn, đến năm 2020 số bài báo của Việt Nam chỉ bằng của Thái Lan năm 2009 - nghĩa là chúng ta theo sau khoảng 10 năm. Trong khi đó nếu so về số lượng giáo sư và tiến sĩ hiện có thì Việt Nam cao hơn Thái Lan!

Cách giáo dục hiện nay cũng là một nhân tố làm giảm khả năng sáng tạo của người học. Lối giáo dục chú trọng học thuộc lòng, làm theo bài mẫu và hình thức thi cử đặt nặng vào trí nhớ, đánh giá chất lượng người học chỉ thông qua điểm số… khiến người học muốn sáng tạo cũng không có cơ hội. Lối giáo dục khuyến khích người ta làm theo những gì sẵn có để đảm bảo an toàn, tránh thua thiệt thì rất khó lòng tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Khi đổi mới, sáng tạo là những khái niệm còn quá trừu tượng, xa lạ với người học thì không thể mong chờ trong tương lai gần sẽ có một thế hệ xem những điều này như là tự thân.

Tuyên bố chung của APEC diễn ra ở Nga vừa mới đây cũng nhấn mạnh sáng tạo để thịnh vượng. Rõ ràng, đến giai đoạn này, không nước nào chỉ trông chờ vào những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho mình để giàu mạnh. Con đường trở nên hùng cường chia đều cho tất cả các quốc gia. Những nước nào luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo thì càng có nhiều cơ hội. Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc hành trình này?

Thùy Ngân

>> Việt Nam tụt hạng về chỉ số trí tuệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.