Đón đoàn tại cầu cảng có Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, lãnh đạo các ban ngành, Thành Đoàn TP.HCM cùng hơn 300 đoàn viên, thanh niên của TP và cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125.
Xuất phát tại bến K20-Hải Phòng ngày 6.10, đoàn đã trải qua chặng đường dài trên 1.500 hải lý, cập cảng và tham gia các hoạt động tại bến Sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre) và Vàm Lũng (Cà Mau); là những bến bãi đã ghi dấu những chiến công oai hùng của đoàn tàu không số.
Tại những điểm đến, đoàn cùng với các địa phương trao tặng 20 ngôi nhà tình nghĩa với tổng trị giá 1,2 tỉ đồng, 167 sổ tiết kiệm (501 triệu đồng), 1.194 phần quà tặng cựu chiến binh tàu không số (597 triệu đồng), 200 suất học bổng (500 triệu đồng) cho con em các gia đình cựu thủy thủ tàu không số.
Phát biểu tại lễ đón đoàn, Bí thư T.Ư Đoàn - Trưởng đoàn hành trình Dương Văn An một lần nữa khẳng định: “50 năm qua, chiến tích hào hùng và sự hy sinh to lớn của các thế hệ hải quân tham gia đoàn tàu không số luôn sống mãi trong lòng thế hệ trẻ VN. Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển-Học kỳ trên biển là hành trình thể hiện lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc trước sự thông minh, sáng tạo, lòng dũng cảm, ý chí can trường của các anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa; là hành trình tái hiện lại những kỳ tích của huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân VN; qua đó giáo dục lý tưởng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Hành trình đã về với những địa danh lịch sử, được chứng kiến những dấu tích còn lại của đường Hồ Chí Minh trên biển, được gặp lại các đồng chí, đồng bào đã che chở, đùm bọc cán bộ chiến sĩ, các đại biểu như thấy mình sống lại trong những thời khắc lịch sử đó”.
Chiều cùng ngày, tại Lữ đoàn 125, T.Ư Đoàn đã tổ chức trao giải cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Theo đó, về cá nhân có 1 giải đặc biệt thuộc về Nguyễn Thu Hằng (Vụ Khoa giáo văn xã Văn phòng Chính phủ), 2 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba, 50 giải khuyến khích; về tập thể có 2 giải nhất thuộc về đơn vị Hà Nội và Quân chủng Hải quân, 2 giải nhì, 5 giải ba, 10 giải khuyến khích.
Cuộc thi được phát động từ ngày 15.8.2011 đã thu được hơn 2.5 triệu bài dự thi; người dự thi cao tuổi nhất là cụ Trần Văn Trừng (94 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) và nhỏ tuổi nhất là em Làu Giáng Hương (lớp 2D, Trường tiểu học Tô Hiệu, TP Hải Dương).
|
T.Q.Nam - H.Mi - K.Hoan
Bình luận (0)