Cụ thể, trả lời ý kiến cử tri về nguyên nhân heo tồn đọng trong dân, không tiêu thụ được và giải pháp sắp tới để khắc phục tình trạng trên. Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân heo ứ đọng trong dân thời gian qua là do cung vượt quá cầu.
Ông dẫn chứng, theo quy hoạch, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương lân cận, đến năm 2020 tổng đàn heo ở Đồng Nai là 2 triệu con. Tuy nhiên, mới đầu năm 2017, tổng đàn heo trên toàn tỉnh đã đạt con số này. Vì vậy, theo ông Vinh giải pháp trước mắt nhằm xử lý tình trạng cung vượt cầu là giảm đàn.
Ông Vinh phân tích, trung bình một năm nhu cầu tiêu thụ heo trong tỉnh là 1,1 triệu con, xuất đi TP.HCM 1,3 triệu, các tỉnh khác là 1,3 triệu, xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch khoảng 1 triệu con. Có nghĩa rằng, một năm Đồng Nai sản xuất khoảng 4,7 triệu con heo là vừa. Mà để sản xuất ra 4,7 triệu con heo/năm thì chỉ cần 250.000 heo nái. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 314.000 heo nái, cho nên phải giảm 50.000 heo nái mới đảm bảo cung cầu.
Và ông Vinh đề xuất giảm ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì chăn nuôi nhỏ lẻ thường nuôi ở gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Khó cạnh tranh với các trang trại lớn vì chi phí đầu vào để sản xuất thì cao hơn mà khi xuất bán giá lại thấp hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ý kiến này không được sự đồng tình của Bí thư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường. Ông Cường cho rằng sản xuất nông nghiệp là truyền thống ngàn đời nay của người dân Việt Nam, ngoài ra trước giờ nhà nước luôn khuyến khích người dân xây dựng mô hình vườn ao chuồng. Người dân có cái ao thì nuôi thêm con heo, con gà, trồng thêm rau xanh để phát triển kinh tế bền vững. Bây giờ bảo người dân không nuôi nữa thì sao được.
Về tình trạng cung vượt quá cầu, theo ông Cường là do sản phẩm mình bán ra chỉ mới tiêu thụ thị trường trong nước, chưa xuất được ra nước ngoài, do giá thành cao, chất lượng thịt chưa đảm bảo. Nên trong thời gian tới, ông yêu cầu các sở ngành của tỉnh ngoài việc dự báo thị trường cho người dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất thì cần phải quản lý chặt quy trình sản xuất, để tạo ra các sản phẩm sạch, có thương hiệu để dễ dàng tiêu thụ cả thị trường trong lẫn ngoài nước.
Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng cho biết sau một thời gian thành lập Ban giải cứu heo, mở 35 điểm bán thịt heo bình ổn giá thì đến thời điểm hiện tại lượng heo tồn trong dân đã hết.
tin liên quan
Ngưng cho heo đẻ để giảm lỗGiá heo duy trì ở mức thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai phải bán tống bán tháo đàn heo nái. Thậm chí có chủ trại còn bán cả heo sơ sinh, ngừng phối giống không cho heo đẻ nhằm giảm lỗ.
Bình luận (0)