Khả năng độc lập của con trẻ

09/08/2015 05:54 GMT+7

Cháu Nguyễn Trần Tú Anh 7 tuổi vô tình rơi xuống giếng khoan, trong hoàn cảnh khắc nghiệt đã bình tĩnh chịu đựng tới gần 10 tiếng đồng hồ để được cứu lên. Cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo mới 4 tuổi bị bắt cóc, bị dồn nhét vào bao tải, bị trói tay bịt miệng đã tự mở trói cho mình, chui khỏi bao và tìm đường về nhà trước khi lực lượng giải cứu tìm đến.

Cháu Nguyễn Trần Tú Anh 7 tuổi vô tình rơi xuống giếng khoan, trong hoàn cảnh khắc nghiệt đã bình tĩnh chịu đựng tới gần 10 tiếng đồng hồ để được cứu lên. Cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo mới 4 tuổi bị bắt cóc, bị dồn nhét vào bao tải, bị trói tay bịt miệng đã tự mở trói cho mình, chui khỏi bao và tìm đường về nhà trước khi lực lượng giải cứu tìm đến.

Dĩ nhiên, cháu Tú Anh được trợ giúp bằng ô xy, bằng những lời chuyện trò động viên của người lớn cứu hộ, nhưng nếu cháu không có sự kiên định vững vàng, như ta hay nói là có “thần kinh thép”, thì nguy cơ rơi vào hoảng loạn dẫn tới tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tôi rất ấn tượng với lời kể của cháu Thảo 4 tuổi, rằng khi tìm đường về nhà, cháu đã leo lên tảng đá cao để quan sát rồi lần ra lối đi. Trong vô thức, cháu đã thực hiện đúng kỹ năng mà hồi nhỏ chúng tôi được dạy trong trường khi cần định hướng: phải tìm một điểm cao để đứng (hoặc leo lên) đặng tìm đường.
Bây giờ, trong nhà trường không còn dạy những kỹ năng mà hồi xưa chúng tôi được học nữa. Đó lại là những kỹ năng rất thiết yếu, nhiều khi là kỹ năng để sống còn, dù được dạy dưới hình thức những trò chơi. Vì sao cháu Thảo bình tĩnh và thông minh đến như vậy khi tìm cách tự giải cứu mình? Tôi nghĩ, chính là môi trường sống ở nông thôn đã giúp cháu. Trẻ con ở nông thôn có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, lại do cha mẹ hay người lớn mải lo công việc, ít thời gian “quản chặt” nên trẻ con nông thôn sinh hoạt độc lập hơn. Và như thế, chúng có tính độc lập cao hơn. Đó là một lợi thế mỗi khi gặp những trường hợp cần xử lý không có sự trợ giúp.
Nhớ lại bộ phim Mỹ Ở nhà một mình với diễn viên nhí lừng danh Culkin. Dù là một bộ phim vui, nhưng tính giáo dục của nó rất cao, nhân vật chính là một chú bé 5 tuổi vừa thông minh vừa độc lập trong xử lý những tình huống nguy hiểm khi đối đầu với hai tên cướp xông vào nhà mình. Đơn độc đối đầu, và chiến thắng.
Có những trẻ em bộc phát xử lý tốt tình huống, nhưng nói chung, rất cần huấn luyện những kỹ năng cơ bản cho trẻ em. Không chỉ trẻ em ở nông thôn, mà trẻ em ở thành phố nhiều khi lại rất cần những kỹ năng tự cứu, và có không ít tình huống để vận dụng. Trong mọi trường hợp, giáo dục hay “trả lại” tính độc lập cho trẻ em là một việc “cần làm ngay”. Trẻ em rất cần được chăm sóc nhưng cũng rất cần sự độc lập để trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, đủ sức đối đầu với những tình huống nhiều khi nguy hiểm xảy tới cho mình.
Hành động của cháu Thảo khi leo lên một tảng đá để định hướng đường về nhà không chỉ là hành động bản năng, mà còn là hành động sáng tạo. Trẻ em chúng ta dù ở đâu cũng rất cần sự tự tin và bản lĩnh như cháu Thảo. Trong hoàn cảnh bình thường, sự tự tin và bản lĩnh ấy cũng giúp cho các em được rất nhiều trong vui chơi, học tập và rèn luyện.
Đừng bao cấp suy nghĩ cho trẻ em. Cũng đừng “cưng như trứng mỏng” tới mức trẻ em như được bọc trong nhung lụa và không có bất cứ kỹ năng độc lập nào. “Không xuống nước thì không biết bơi”, hãy đưa trẻ em xuống nước. Và hãy tập cho các em tự bơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.