Tự nhận mình là người “có một chút duyên trong điêu khắc”, nhưng những tác phẩm của anh lại được nhiều người có chuyên môn đánh giá cao…
Thấy gỗ mít là mê
Là cán bộ kiểm kê bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Quảng Nam, anh Trần Văn Đức (36 tuổi) không có nhiều thời gian dành cho điêu khắc. Những tác phẩm anh tạc nên là để thỏa mãn niềm đam mê vốn đã “bén rễ” khi còn đi học. Đức kể, nhà sát sông Ly Ly (Hương An, H.Quế Sơn), cứ sau mỗi trận lũ lớn, dải cát dọc bờ sông lại lộ ra nhiều mảnh vỡ bình cổ của người xưa. Những họa tiết trang trí trên các bình cổ khiến tôi không khỏi tò mò cũng như thán phục sự sáng tạo của họ... Tôi đến với điêu khắc từ những mảnh gốm vỡ ấy”. Theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, ra trường, anh làm nhiều nghề để kiếm sống, như: vẽ tranh truyền thần, làm gốm tự do tại làng Thanh Hà (TP.Hội An)... Bấy giờ, khắc tượng trên đất sét với Đức không có gì là khó nhưng “chơi” với tượng gỗ thì anh chưa bao giờ biết đến. Đức nói: “Lần đầu tiên tạc tượng trên gỗ mít, tôi đã gặp không ít khó khăn bởi mọi dụng cụ đều thuộc hàng “đao to búa lớn” so với điêu khắc gốm. Nhưng khi đã quen tay, tôi thực sự hiểu mình đang rất ham tượng gỗ”.
Vào công tác tại Bảo tàng Quảng Nam, sau giờ làm việc Đức thường rong ruổi nhiều nơi để tìm kiếm vật liệu tạc tượng. Nghe ở đâu có người muốn bán gỗ mít, anh liền nhảy lên chiếc Honda 67 vượt đường xa để kịp mua. Có bữa vừa đến nơi, người ta đã bán đi khúc gỗ ưng ý, Đức tự giận mình sao đến muộn rồi tiu ngỉu ra về. “Lại có bữa công tác ở những vùng núi cao H.Tiên Phước hay vùng Trà My, thấy hai bên đường người dân chất những khúc gỗ mít đẹp là tôi lại thấy... thèm. Bữa nay, khúc gỗ giá 3 - 4 triệu đồng là bình thường, mà tôi thì ít khi đủ tiền mua”, anh Đức tâm sự.
Bộ tượng gỗ của anh đa dạng với nhiều chủ đề gắn liền với biển cả, vùng núi cao. Theo anh Đức, mỗi bức tượng có một đời sống riêng nhưng có điểm chung là rất gần gũi với cuộc sống thường nhật. Trong đó, bức tượng “Sau cơn bão biển” với những đường nét tạo hình gợi cảm thật sự để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Lấy cảm hứng từ nỗi đau mất người thân của những người mẹ sau cơn bão khủng khiếp xảy ra tại xã Bình Minh (H.Thăng Bình) vào năm 2006, anh Đức đã khắc hình tượng một người già ôm mái chèo đợi con. Tác phẩm này được giới điêu khắc đánh giá rất cao.
“Chỉ còn 10 ngày để gửi tượng đến dự triển lãm thì tôi phải tham gia một đoàn khai quật khảo cổ học. Để kịp thời gian, tôi đã mang bức tượng này đến địa điểm khảo cổ, rảnh ra là cầm tay rìu vạt tượng ngay. Tôi vốn không ham hố việc đem tượng mình đi thi thố nhưng năm đó nhận được sự động viên của nhiều người nên tôi đánh liều đem dự triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung và Tây nguyên. May mắn là tôi được giải thưởng giới thiệu tại triển lãm toàn quốc”, anh Đức cho biết.
|
Tạo lập cá tính
Trần Văn Đức tạc tượng theo cách riêng của mình. Nếu nhiều người thường chọn vật liệu trước rồi mới tiến hành lập bản thảo và vạt tượng thì anh lại làm theo hướng ngược lại. Đó là phác ý tưởng của mình lên giấy trước, nặn tượng đất rồi phóng to ra gỗ mít. Chính cách làm này khiến Đức mất khá nhiều thời gian và đầu tư nhiều công sức hơn. “Làm theo cách này buộc mình khi nào cũng phải “chạy” theo từng thớ gỗ. Khúc gỗ đẹp thì không sao, có khúc mục ruỗng bên trong thì mình phải tìm cách khắc phục, tìm loại gỗ đồng dạng để đắp vào cho hoàn chỉnh”, anh Đức nói thêm. Hàm ngôn trong tượng của anh không có gì “quái”, càng không siêu thực mà đơn giản là những bức tượng phản ánh hiện thực hết sức đời thường. Là bức “Cái chữ vùng cao” với hình tượng một em học sinh “đấu tranh” giữa cái ăn và cái chữ; đó là “Mắt biển” với biểu hiện khắng khít giữa tình quân dân trên biển; rồi “Phía thượng nguồn” thể hiện đời sống tâm linh của người Cơ Tu tại Quảng Nam. Đức bảo: “Vì mình chậm chân hơn người ta nên bây giờ mình làm tượng thế nào đó cảm thấy hài lòng và đẹp là được”.
Xem tượng của Đức, nhiều người dễ thấy rằng đường nét trên tượng của anh ảnh hưởng khá nhiều nghệ thuật điêu khắc của người Cơ Tu. Anh cũng tự nhận mình rất thích những nét tạc thô. “Tôi không thích tượng mình có nhiều nét nhẵn nhụi, quá “nuột” bởi tôi không muốn mới nhìn trông tượng cứ như đồ mỹ nghệ. Tôi yêu văn hóa vùng cao. Và trong đó, nghệ thuật tượng nhà mồ của người Cơ Tu được tạc bởi những nghệ nhân dân gian hết sức hoang dã mà đầy huyễn hoặc. Hầu hết các tượng của mình, tôi đều cố giữ những nét thô như thế”, Đức tâm sự.
Cá tính và phong cách của Trần Văn Đức được nhiều người ghi nhận. Anh từng được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen; 2 lần có tượng trưng bày tại triển lãm tầm quốc gia; anh còn đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ nhất. Ngoài đam mê tạc tượng gỗ, Đức còn rất mê vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Đất Quảng.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)