Bộ phim Thầu Chín ở Xiêm đã chọn một lối đi khó: khắc họa một giai đoạn lịch sử vẫn còn ít được nhắc đến, đó là những năm 1928 - 1929 khi Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Thái Lan.
Hình ảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
|
Đây là khoảng thời gian quan trọng, chuẩn bị cho thời điểm Bác Hồ về nước hoạt động sau 17 năm bôn ba ở nước ngoài. Tại Thái Lan, Bác Hồ với biệt danh Thầu Chín đã xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản VN vào ngày 3.2.1930.
Lịch sử được tôn trọng một cách gần như tuyệt đối. “Tôi làm phim này theo thể loại phim tài liệu lịch sử hư cấu. Hầu hết các chi tiết trong phim là những chi tiết có thật được chắp nối lại”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc đã viết kịch bản Thầu Chín ở Xiêm sau chuyến đi thực tế tại Thái Lan hàng tháng trời, đến những nơi mà Bác đã qua, đã sống và hoạt động. Sau đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng được hỗ trợ sang nước bạn nghiên cứu tư liệu lịch sử về Bác, cũng như văn hóa, trang phục, sinh hoạt của người Thái.
|
Bùi Tuấn Dũng từng đạo diễn của nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh (cả điện ảnh lẫn truyền hình). “Đây là một đề tài khó với một đạo diễn ở lứa tuổi như tôi”, đạo diễn 7X chia sẻ. Anh đã chọn một lối kể cũ kỹ, để đổi lấy sự an toàn.
Thầu Chín ở Xiêm gây cảm giác một bộ phim tư liệu giảng giải lịch sử hơn là một phim mang nhiều nét sáng tạo nghệ thuật, truyền cảm hứng về một nhân vật vĩ đại. Bùi Tuấn Dũng đã phải tìm cách “hút” khán giả bằng chiêu của anh, tạo ra 2 nhân vật hư cấu: nhân vật trào phúng là một tên hoạn lợn làm gián điệp, hay nhân vật nữ làm phim thêm thi vị là cô gái xinh đẹp đem lòng cảm mến Bác Hồ. Điểm cộng cho phim là những cảnh quay đẹp do nhà quay phim Lý Thái Dũng là giám đốc hình ảnh cùng diễn xuất của diễn viên trẻ Mạnh Trường trong vai Thầu Chín.
Bình luận (0)