Lần đầu tiên trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có đưa quy định: quyền sử dụng đất (QSDĐ) là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Điều này sẽ được thể chế hóa trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi (dự thảo) sẽ như thế nào, thưa ông?
Đây không phải là quyền tài sản đầy đủ, cái trao cho người SDĐ là quyền sử dụng chứ không phải quyền tài sản. Cho nên quyền tài sản ở đây phải hiểu dưới góc độ là QSDĐ, đã được quy định rõ trong luật 2003 và lần này cụ thể hơn. Quyền được làm gì đồng thời kèm những quy định về điều kiện để thực hiện quyền đó. Ở một số loại đất thì gần như tương đương với quyền sở hữu nhưng kèm theo các điều kiện để thực hiện. Tôi ví dụ: Khi thực hiện giao đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, phải một thời gian (luật quy định 10 năm - PV) mới được thực hiện quyền đấy chứ nếu không cấp rồi để bán đi thì không được.
|
Mục tiêu sửa luật là khắc phục tình trạng tùy tiện khi thu hồi đất, điều này được cụ thể thế nào?
Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan vừa qua, chúng ta thực hiện chủ yếu theo 2 cơ chế chỉ định chủ đầu tư và nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, đặc biệt là kế hoạch SDĐ hằng năm. Trước đây quyền thẩm quyền thu hồi của UBND, nhưng bây giờ thì phải thông qua HĐND, nhất là các dự án kinh tế. Bước tiến ở đây là có sự giám sát của HĐND. Đối với nhà đầu tư, phải có một số điều kiện, phải có năng lực tài chính và phải ký quỹ... Như vậy, kể cả nhà nước và chủ đầu tư đều có những quy định chặt hơn để SDĐ hiệu quả hơn nữa.
Đối với đất lúa, đất rừng phải báo cáo Thủ tướng trước khi chấp nhận đầu tư.
Sau 12 tháng, dự án chưa triển khai là thu
Xin ông cho biết đối với các dự án treo, luật sửa đổi xử lý như thế nào để thu hồi?
Lần này xác định rõ, dự án chỉ có chủ trương đầu tư, chưa giao thuê đất, sau 3 năm không thực hiện thì đương nhiên hủy bỏ, người dân thực hiện các quyền của họ.
Còn đối với dự án giao thuê rồi thì chia ra: Dự án chưa triển khai 12 tháng là thu; nếu triển khai rồi cho tới 24 tháng và gia hạn chỉ 1 lần, tối đa là 12 tháng (trước đây không quy định gia hạn bao nhiêu). Nếu quá thời hạn đó thì nhà nước thu hồi và không có chuyện bồi hoàn. Nếu nhà đầu tư thấy không làm được, trả trước thời hạn gia hạn thì nhà nước sẽ có phương án thanh toán. Còn nếu ai cứ cố tình chây ì, cố tình giữ dự án thì bắt buộc phải thu hồi. Còn lý do bất khả kháng như suy giảm kinh tế không làm được thì nhà nước bồi hoàn.
Luật sửa đổi giải quyết thế nào về những bất cập khi định giá đất theo thị trường, thưa ông?
Về định giá đất, Nghị quyết 19, T.Ư thảo luận rất nhiều rồi. Câu đầu tiên là “Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Sở dĩ đặt vấn đề này bởi có nhiều ý kiến là theo giá thị trường nhưng thị trường không ổn định mà mang tính chất ngầm tương đối nhiều. Nhưng phải xác định đâu là thị trường thật. Theo đó, giá đất không chỉ với người bồi thường SDĐ mà cái chính là nghĩa vụ tài chính của người SDĐ cũng rất quan trọng. Thực tế người bồi thường chiếm tỷ lệ ít còn số người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính rất lớn. Nếu đưa giá đất cao thì nghĩa vụ tài chính cao và làm khó cho người sử dụng.
Có nhiều ý kiến cho rằng để xác định giá khách quan thì nên đấu giá đất, thưa ông?
Chuyển qua đấu giá đúng là tốt nhưng phải chuẩn bị các điều kiện là đất sạch. Thứ hai phải có quy hoạch tốt rồi mới tổ chức đấu giá. Nếu đấu giá mà đất không có giá trị gì thì chẳng ai mua. Các địa phương phải dành đất vàng mà đấu giá chứ bao nhiêu đất mặt đường lấy hết làm trụ sở cơ quan ra thì còn gì mà đấu. Phải quy hoạch đất đó làm thương mại, tài chính, bưu chính viễn thông... còn cơ quan nhà nước vào chỗ nào đó yên tĩnh hơn, có như vậy mới được. Tôi cho rằng nếu ta làm quy hoạch tốt thì có nguồn thu từ đất lớn.
Anh Vũ (ghi)
>> Kiên quyết thu hồi dự án “treo”
>> Thu hồi dự án “vườn bách thảo kỳ hoa”
>> Thu hồi đất dự án Trại thực nghiệm Nhơn Tân
Bình luận (0)