Khách hàng mòn mỏi chờ cơ cấu nợ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/07/2023 07:11 GMT+7

Được cơ cấu nợ ngân hàng là điều nhiều khách hàng vô cùng mong mỏi trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu trả nợ hiện nay.

Thế nhưng, sau 2 tháng triển khai quy định cho phép các ngân hàng được cơ cấu nợ thì nhiều khách hàng không thể đáp ứng điều kiện ngân hàng đặt ra.

Những yêu cầu khó đỡ của NGÂN HÀNG

Ông N.S (Q.2, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán khi được hỏi đến khoản nợ hơn 13 tỉ đồng của mình tại ngân hàng (NH) chưa được giãn nợ. Ông N.S cho biết sau khi nghe thông tin NH Nhà nước ban hành thông tư cho phép các NH được giãn, cơ cấu nợ cho khách hàng vay thì mừng lắm. Ông liên hệ với phía NH cũng nhận được phản hồi sẽ hỗ trợ giãn nợ gốc mỗi tháng 50 triệu đồng nhưng phần tiền lãi 100 triệu đồng vẫn phải đóng đều. Do nguồn tiền đang khó khăn nên ông N.S cũng chặc lưỡi "được phần nào tốt phần đó". Thế nhưng sau gần 2 tháng, ông N.S vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ phía NH.

Khách hàng mòn mỏi chờ cơ cấu nợ - Ảnh 1.

Nhiều khoản vay khó tiếp cận việc cơ cấu nợ

NGỌC THẮNG

Theo thông tin từ nhân viên NH mà ông N.S đang vay thì việc hỗ trợ giãn nợ chậm lại do phải "định giá lại tài sản hơi mất thời gian", còn đang phải xác minh pháp lý, xác minh quy hoạch. Trong trường hợp nhân viên NH khó xác minh thì nhờ khách hàng hỗ trợ. "Với thủ tục như vậy thì không biết đến khi nào NH mới cơ cấu lại khoản nợ này. Hằng tháng tôi vẫn trả đều 150 triệu đồng nên rất áp lực. Quy định từ NH Nhà nước giao cho các NH thương mại thỏa thuận nên mình cũng chỉ biết chờ đợi", ông N.S nói.

Tương tự, chị N.T (Q.4, TP.HCM) cho rằng chính sách đưa ra mang tính nhân văn, nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn về dòng tiền, thế nhưng thực tế triển khai mới thấy "làm khó nhau thì có". Chị N.T, có 1 khoản nợ quá hạn, bị nhảy sang nhóm nợ 2 (nợ cần chú ý). Để cơ cấu lại về nhóm nợ 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), NH M. yêu cầu khách hàng trả nợ đúng hạn 3 tháng liên tiếp, không được trễ hạn dù chỉ 1 ngày. 

Chưa kể, để được nhảy sang nhóm nợ 1, phía NH này rà soát thì phát hiện chị N.T đang có thêm 1 khoản vay ở NH V. số tiền 5 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 12 tỉ đồng. Mặc dù không liên quan nhưng phía NH M. yêu cầu chị N.T phải chứng minh tài sản thế chấp cho khoản vay 5 tỉ ở NH V. Nhưng khi chị T. đưa hồ sơ thì NH M. không chịu cho khoản vay thế chấp này. 

Chị N.T đưa 2 tài sản khác là bất động sản nhưng phía NH không đồng ý với lý do "tài sản nằm ở các tỉnh thành khác, không phải trên địa bàn TP.HCM". "Không biết NH có chịu cơ cấu lại khoản nợ của mình hay không mà giống kiểu làm khó nhau quá. Mất nhiều thời gian đi tới lui để chứng minh này nọ", chị N.T bức xúc và nói thêm nhân viên NH M. còn cho hay trong 3 tháng đầu cơ cấu mà khách hàng chậm trả nợ thì từ nhóm 1 sẽ nhảy lên nhóm 4 (nợ nghi ngờ) nên chị từ bỏ luôn ý định xin cơ cấu nợ tại NH M. 

"Thủ tục, điều kiện đã lằng nhằng mà còn thêm cái này nữa thì nghĩa là họ đâu muốn cơ cấu nợ cho mình. Vì nếu để tự nhiên nhảy từ nhóm nợ này lên nhóm kia thì cũng mất mấy tháng trời. Còn đây chỉ cơ cấu lại phần nợ, chứ thật ra khách hàng vẫn phải trả đầy đủ nợ hằng tháng mà lại đưa ra các điều kiện ràng buộc như vậy thì không ai có thể đáp ứng được. Không những tôi mà nhiều khách hàng khác lúc đầu hăm hở làm bao nhiêu thì sau đó gần như bỏ cuộc vì quá mất thời gian mà không giải quyết được", chị N.T cho hay.

Ngân hàng cũng khó

Vào cuối tháng 4, NH Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 02/2023 chính thức có hiệu lực từ 24.4.2023 - 30.6.2024. Các khoản được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NH Nhà nước trao quyền chủ động cho các NH trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. 

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do NH quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đến đầu tháng 5, NH Nhà nước ban hành chỉ thị yêu cầu các NH tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN, các NH sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi. Đồng thời các NH đánh giá đúng bản chất nợ xấu. Việc cơ cấu nợ thuộc trách nhiệm của NH. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về NH.

Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng chủ yếu dựa vào tính tự giác của NH. Thường thì việc cơ cấu lại nợ vào thời điểm hiện nay sẽ khiến lợi nhuận của NH không được ghi nhận, điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các NH. Do đó, những NH có tỷ lệ nợ xấu không cao thường đưa ra các điều kiện thỏa thuận với khách hàng vay, nếu đáp ứng mới được cơ cấu lại nợ. Trong trường hợp NH có tỷ lệ nợ xấu cao thì đây là giải pháp giúp NH có thể ghi nhận tỷ lệ nợ xấu không tăng cao.

Trước quan điểm việc cơ cấu nợ sẽ chuyển khoản nợ về tương lai, có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu lên trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng điều này là chắc chắn khi những khoản nợ hiện nay đã mất khả năng trả và khách hàng không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như dòng tiền trong thời gian tới. Lúc này, NH sẽ đối mặt với những khoản nợ xấu khi hết thời gian cơ cấu. Tuy nhiên, việc cơ cấu này sẽ giúp những khách hàng có cơ hội phục hồi có thể "câu giờ", sắp xếp trả nợ.

Theo NH Nhà nước, tính đến giữa tháng 6, đã có 17 NH tiến hành cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng… với tổng số dư nợ được cơ cấu lại khoảng 150.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tính đến giữa tháng 6 tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, con số cơ cấu nợ sau 2 tháng thực hiện còn rất thấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.