Chia sẻ trên diễn đàn OFFB, anh Quân Trường (TP.HCM) cho biết, từ lúc mua xe năm 2019 tới nay, anh chưa bao giờ đăng ký dán thẻ Epass và trên xe cũng không dán thẻ nào.
Cách đây 3 ngày, tài xế xe đăng ký dán thẻ E-tag của VETC thì được báo xe đã đăng ký trên hệ thống có dán Epass (của Công ty VDTC - Viettel) nên không thể dán được thẻ của VETC. Nếu muốn huỷ thẻ Epass anh phải ra tận Đồng Nai để đăng ký huỷ thẻ.
Khách hàng cho biết không đăng ký nhưng vẫn có tên trên hệ thống Epasss, dù xe cũng chưa hề dán thẻ |
Quân trường |
“Tại sao mình chủ xe dán thẻ lúc nào không biết, trên kính xe cũng không hề có thẻ”, anh Trường nêu. Sau khi tra soát lại được biết biển số xe của anh đã được đăng ký tài khoản Epass của VDTC dưới tên một chủ sở hữu khác địa chỉ tại Bình Thuận.
Đáng chú ý, sau nhiều lần gọi điện phản ánh lên tổng đài, anh Trường nhận được cuộc gọi từ một nhân viên cho biết là người trực tiếp làm hồ sơ Epass để “chạy chỉ tiêu” ở Trạm thu phí Cà Ná (Bình Thuận). Nhân viên này cũng nhận sai sót vì đã làm không đúng quy trình, “làm khống do chỉ tiêu”.
Sau bài phản ánh của anh Trường, một số chủ xe khác cũng lên tiếng cho biết xe tự động bị đăng ký thẻ Epass dù không hề đăng ký cũng như xe không dán thẻ, trong khi muốn dán loại thẻ khác thì phải huỷ tài khoản cũ.
Đáng chú ý, tình trạng xe trên hệ thống đã đăng ký ETC rồi nhưng chủ xe không hay biết và thực chất xe không dán thẻ khá phổ biến. Được biết, qua khảo sát cho thấy, hiện có hơn 300.000 xe đã được đăng ký tài khoản thu phí không dừng nhưng thực tế chưa dán thẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Cao Đình Ngân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty VDTC, cho biết Viettel và VDTC đều không có chủ trương về việc chạy tăng doanh số khi dán thẻ thu phí không dừng.
“Từ khi triển khai dịch vụ thu phí không dừng năm 2021, do hệ thống dịch vụ dán thẻ tương đối lớn qua nhiều kênh, với hơn 20.000 nhân viên tham gia trực tiếp, dù đã có tập huấn cho nhân viên cách thức triển khai nhưng vẫn có một số sai sót. Chúng tôi cũng đã đào tạo, nhắc nhở nhân viên qua các kênh bán hàng trực tiếp và đại lý”, ông Ngân cho biết.
Để kiểm soát tình trạng dán thẻ không đúng quy định, hiện VDTC đã xây dựng hệ thống tra soát tự động, khi nhập đăng ký xe sẽ tra soát được toàn bộ hồ sơ gồm thông tin chủ xe, đăng ký xe... Điều này tránh việc nhân viên khi nhập có thể bị nhầm dữ liệu dẫn đến thông tin thẻ không chuẩn, hoặc một số trường hợp đăng ký khống.
Cũng theo đại diện VDTC, có nhiều trường hợp chủ xe một người nhưng đi dán lại là người khác, nên thông tin trên hệ thống vẫn có một số trường hợp đăng ký dán thẻ nhưng không khớp. Ông Ngân cho biết, với các trường hợp khách hàng phản ánh, công ty sẽ chủ động liên hệ với chủ xe để làm rõ các thông tin và có hướng xử lý cho khách hàng.
Được biết, hiện dịch vụ thu phí không dừng ETC do 2 nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH VETC (thẻ E-tag) và Công ty VDTC (thẻ Epass). Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Đường bộ, tính đến tháng 7, cả nước có khoảng 3,2 triệu xe đã đăng ký thu phí không dừng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thu phí không dừng tại một số tuyến cao tốc mới đây cho thấy, tỷ lệ xe đã đăng ký dán thẻ và sử dụng, nạp tiền vào tài khoản thẻ mới chỉ đạt khoảng 60 - 70%, thậm chí nhiều địa phương tỷ lệ còn thấp hơn, chỉ khoảng hơn 50%.
Trước đó, việc dán thẻ ETC được thực hiện miễn phí, nhưng từ 25.7, Công ty VDTC cho biết sẽ thu 120.000 đồng/thẻ nhằm tránh tình trạng dán chồng thẻ, đảm bảo chất lượng dịch vụ cao hơn.
Tổng cục Đường bộ đang yêu cầu 2 nhà cung cấp dịch vụ Epass và VETC thống kê những xe qua trạm bị lỗi 2 đến 3 lần trở lên thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải liên lạc với chủ phương tiện để kiểm tra chất lượng thẻ.
Bình luận (0)