'Khách hàng vay 300 triệu mà phải mua 20 triệu bảo hiểm, nước mắt chảy dài'

Mai Hà
Mai Hà
15/01/2024 16:41 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) chia sẻ câu chuyện ông từng chứng kiến khi một phụ nữ vì trả nợ phải cầm cố sổ đỏ để vay ngân hàng 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, bước ra ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài.

Nêu ý kiến góp ý về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 15.1, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng phải luật hóa để có chế tài xử lý nghiêm với hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

'Khách hàng vay 300 triệu mà phải mua 20 triệu bảo hiểm, nước mắt chảy dài'- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

GIA HÂN

Ông Mai cũng dẫn ra những vi phạm như tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn ngân hàng đã được các phương tiện truyền thông đưa rất nhiều.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh dẫn ra trường hợp một phụ nữ vì trả nợ phải đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ hết 20 triệu đồng, nên chỉ còn được vay 280 triệu đồng.

"Hình ảnh khách hàng bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc đã thôi thúc tôi phải phát biểu lần nữa về nội dung này", ông Thịnh chia sẻ. Theo đại biểu, kết luận với 4 công ty bảo hiểm của Thanh tra Bộ Tài chính tháng 7.2023 cho thấy, tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm sau năm đầu lên tới 70%, tức khách hàng chịu mất không số phí đã nộp.

Chỉ tính riêng 1 công ty bảo hiểm nhân thọ bán bảo hiểm qua ngân hàng thương mại đã có mức phí khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu, thì số tiền khách hàng vay vốn phải mất thêm lên tới 48% giá trị khoản vay.

"Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế sau khi phải mua bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng", đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết.

Xem nhanh 12h: Chương trình kỳ họp bất thường thứ năm Quốc hội khóa XV

Ngân hàng thu hàng nghìn tỉ từ bán bảo hiểm

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, chi phí trả trước năm đầu tiên của hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm chi trả cho ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng.

Ông Thịnh nêu ví dụ, số liệu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là hơn 23.000 tỉ đồng, phí trả trước cho hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ là hơn 9.000 tỉ đồng; với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tương ứng là hơn 9.500 tỉ đồng, phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỉ đồng, chưa tính số "hoa hồng" đại lý được hưởng.

'Khách hàng vay 300 triệu mà phải mua 20 triệu bảo hiểm, nước mắt chảy dài'- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng các ngân hàng thu được hàng nghìn tỉ đồng từ bán bảo hiểm

GIA HÂN

"Giai đoạn từ 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm của các ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn. Nếu dự thảo luật chỉ quy định bổ sung ngân hàng thương mại được thực hiện làm đại lý bảo hiểm theo quy định pháp luật thì sẽ không có gì đảm bảo tránh tình trạng chèn ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn", đại biểu Thịnh nêu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thậm chí cho rằng không nên cho phép ngân hàng liên kết bán bảo hiểm, do có quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Theo ông, thành lập công ty bảo hiểm phải có trụ sở để bảo vệ quyền lợi khách hàng, nhưng như khu vực ĐBSCL chỉ có 2 trụ sở công ty bảo hiểm. "Như tôi ở Đồng Tháp mà chỉ qua trụ sở công ty bảo hiểm ở tận Cần Thơ", ông Hòa bức xúc.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt câu hỏi: "Lợi nhuận của ngân hàng bán bảo hiểm được chi hoa hồng rất cao, vậy công ty bảo hiểm thu từ khách hàng thì lợi nhuận ra sao?".

"Đóng hợp đồng bảo hiểm mấy chục năm sau người dân mới lấy lại tiền bảo hiểm, nhưng thu được lợi nhuận rất khó khăn, nhiều người thậm chí bỏ luôn không lấy lại. Nhiều nhân viên ngân hàng tôi quen cũng cho biết bị áp chỉ tiêu bán bảo hiểm cũng rất khổ, than vãn vì phải bán bảo hiểm", đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định về xử lý vi phạm hành chính đã có quy định. Cụ thể, khoản 5 điều 9 luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Nghị định số 98/2013/NĐ-CP cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (đã được sửa đổi, bổ sung). Trong đó, khoản 1 điều 2 quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm: “Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số quy định tại nghị định”.

Ngoài ra, tại điều 124 đến điều 130 luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân làm đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý ý kiến của đại biểu Quốc hội, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.