Trong suốt 2 năm qua, gần như không có tháng nào cái tên VN không được nhắc tới trong các bảng xếp hạng, danh sách hay giải thưởng uy tín từ các tổ chức nước ngoài và giới truyền thông quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khách quốc tế đến VN bùng nổ theo từng tháng, ngay cả trong mùa thấp điểm hiện nay.
Khách "ruột" đã trở lại
Ngành du lịch VN vừa bước qua tháng 5 - tháng đầu tiên của mùa thấp điểm khách quốc tế - với gần 1,4 triệu lượt khách ngoại, giảm 10% so với tháng 4 nhưng tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng, VN đón gần 7,6 triệu lượt khách, tăng gần 65% so với cùng kỳ 2023. Tuy tổng lượng khách giảm nhẹ so với tháng 4 bùng nổ nhưng các doanh nghiệp (DN) du lịch vẫn đánh giá đây là kết quả rất khả quan bởi mọi năm mùa hè là mùa thấp điểm của khách từ các thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á. Thế nhưng VN vẫn đón được lượng lớn khách từ thị trường Hàn Quốc (351.000 lượt). Đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của thị trường Trung Quốc khi lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, giành lại vị trí số 1 trong danh sách các thị trường gửi khách nhiều nhất tới VN trong tháng. Cụ thể, trong tháng 5, VN đón 357.000 lượt khách Trung Quốc. Tính chung 5 tháng, đã có gần 1,6 triệu lượt khách Trung Quốc tới VN, chiếm 21,2% tổng lượng khách ngoại tới nước ta. Thị trường Trung Quốc đang đuổi rất sát Hàn Quốc - thị trường gửi khách lớn nhất của VN nhiều năm qua với trên 1,9 triệu lượt (chiếm 25,7%).
Khách Trung Quốc trở lại lập tức "thổi hồn" cho nhiều điểm đến vốn đã ngóng chờ từ lâu dòng khách ruột này. Điển hình là Nha Trang (Khánh Hòa). Cuối tuần rồi, dù đã qua cao điểm lễ 30.4 - 1.5 nhưng chuỗi quán ăn, hệ thống massage dọc bờ biển trên đường Phạm Văn Đồng vẫn nhộn nhịp khách, chủ yếu là khách nước ngoài. "Khách Tây đến nhiều hơn rồi, đa phần là khách đi tự túc. Cũng có một vài đoàn khách Trung Quốc đi xích lô dạo biển rồi ghé vào đây uống nước, không đông như hồi trước dịch nhưng lâu lắm rồi mới thấy khách Trung, cũng vui", anh Đoàn, chủ một quán sinh tố, nước ép dọc biển trên đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) cho biết.
Bà T.L, chủ một khách sạn 4 sao tại Nha Trang, cũng vui mừng báo tin đợt lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, hệ thống khách sạn, nhà hàng tại TP biển ghi nhận mức doanh thu rất tốt, giúp các DN có được thêm nguồn tiền để duy trì hoạt động sau khoảng thời gian dài khó khăn. Mùa hè này, khách sạn của bà T.L cũng đã nhận booking khoảng 70% số phòng, trải đều từ nay đến hết tháng 8. Nếu như năm ngoái đặt phòng chủ yếu là khách nội địa, là các gia đình đưa con đi chơi hè thì năm nay có khá nhiều khách nước ngoài đã báo giữ chỗ. "Khách trong nước chi tiêu khá chắc tay, so ra có khi chưa bằng 50% so với khách quốc tế. Đơn cử người nước ngoài đi du lịch cả ngày, đêm về họ vẫn gọi lễ tân đặt đồ ăn hoặc sử dụng các dịch vụ massage, giặt là… tại khách sạn. Người Việt mình gần như tuyệt đối không. Khách Trung Quốc vẫn chưa quá nhiều nhưng có họ, hệ thống massage sẽ ổn vì khách Trung rất thích các gói massage trị liệu và họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho các dịch vụ cao cấp", bà T.L nói.
Tương tự, các công ty du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đang tập trung chuẩn bị kế hoạch cho cao điểm hè và ghi nhận nhu cầu của du khách đang "nhích" dần, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Mùa này, khách châu Âu hoặc Hàn Quốc đến Phú Quốc được dự báo có thể sẽ giảm nhẹ nhưng dòng khách Nga, Trung Quốc, Đài Loan ghi nhận tăng trưởng tốt. Điều này sẽ giúp ngành du lịch Phú Quốc giữ nhịp tăng trưởng dù còn khoảng trống lớn từ khu vực khách nội địa, bởi Trung Quốc được đánh giá là tệp khách nhà giàu thích chọn các hạng phòng cao cấp như biệt thự có hồ bơi riêng biệt, tiệc trà chiều - rất phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng cao cấp tại Phú Quốc hiện nay. Nhờ vậy, doanh số, lợi nhuận kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí hạng sang sẽ được cải thiện đáng kể.
Địa phương ra tay kéo khách tới
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, hơn 2 năm mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, du lịch VN đang trên đà khôi phục và phát triển với nhiều thành tựu nổi bật, nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ 15.8.2023. Tiếp đà từ cuối năm 2023, hoạt động du lịch sôi nổi ngay từ đầu năm và tiếp diễn qua nhiều tháng càng khẳng định ngành du lịch năm 2024 sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là đối tác, thị trường nguồn khách trọng điểm được ngành du lịch VN đặc biệt chú trọng hợp tác phát triển. Giai đoạn trước dịch Covid-19, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến VN. Năm 2019, VN đón khoảng 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ tháng 1.2023, hai nước đã có nhiều hoạt động xúc tiến điểm đến, phục hồi trao đổi khách, tăng cường kết nối lại các đường bay. Lượng khách Trung Quốc đến VN cả năm 2023 đạt gần 1,8 triệu lượt, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách lớn nhất đến VN. Cục Du lịch cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này trong 5 tháng đầu năm. Đây sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp ngành du lịch VN đạt mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2024, phục hồi như trước đại dịch Covid-19.
Kết quả này, theo ông Khánh, là nhờ sự năng động của nhiều địa phương trong thời gian qua.
Đơn cử, Nha Trang không ngồi yên ngóng khách từ Trung Quốc đại lục mà đã nỗ lực tìm kiếm nhiều thị trường mới và ghi nhận các kết quả tích cực. Hiện nay, mỗi ngày có 17 chuyến bay từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay từ Trung Quốc đến Khánh Hòa; các thị trường Thái Lan, Kazakhstan, Malaysia từ 5 - 7 chuyến/tuần. Thị trường khách Nga tuy vẫn còn nhiều khó khăn do các chuyến bay thẳng chưa được tổ chức trở lại nhưng từ cuối tháng 2, Hãng hàng không IrAero Airlines (Nga) đã khai thác chặng bay Irkutsk (Nga) - Thạch Gia Trang (Trung Quốc) - Cam Ranh (Khánh Hòa) với tần suất 1 chuyến/tuần. Chi nhánh Vietravel Nha Trang cũng có kế hoạch phối hợp với đối tác Nhật Bản tổ chức 6 chuyến bay charter đưa khách Nhật đến nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa trong năm nay.
Tương tự là Phú Quốc. Đầu tháng 5 vừa rồi, UBND TP.Phú Quốc cùng Tập đoàn Sun Group, Công ty Winner Phú Quốc đã có buổi làm việc với đoàn Tổng lãnh sự quán và Hiệp hội DN Trung Quốc về việc hợp tác xúc tiến du lịch tại Phú Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh các tour tuyến đường bộ, đường biển, đưa khách từ Campuchia, Lào, Thái Lan theo tuyến Hà Tiên tới Phú Quốc.
Mới nhất, Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM đã tổ chức chương trình gặp gỡ xúc tiến du lịch Kerala - Phú Yên với sự tham dự của các DN du lịch tỉnh Phú Yên và bang Kerala (Ấn Độ). Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và xúc tiến, kích cầu du lịch của tỉnh Phú Yên hè năm 2024. Với sự tham dự của các DN du lịch Phú Yên và gần 30 DN du lịch bang Kerala, Phú Yên kỳ vọng sẽ ghi tên trong danh sách những điểm đến yêu thích của thị trường tỉ dân mới nổi này.
Nhờ vậy, không chỉ khách gần, các thị trường châu Âu dù vào mùa thấp điểm nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt (57,1%). Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (tăng 31,6%), Pháp (tăng 39,5%), Đức (tăng 34,6%)...
"Dụ" khách chi tiêu và trở lại
Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia, nhấn mạnh, hiệu quả của du lịch thể hiện ở doanh thu, khách đến và khách quay trở lại. So sánh với Thái Lan trong thời kỳ du lịch bùng nổ trước dịch Covid-19, họ có trên 40 thị trường khách nguồn (có những thị trường đạt trên 100.000 lượt khách), trong khi VN chỉ có gần 30 thị trường. Về độ mở, chúng ta kém họ và đang nỗ lực cải thiện. Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80%, còn VN chỉ đạt khoảng 10 - 40%. Trong khi đó, VN sở hữu tài nguyên du lịch rất lớn, gây ấn tượng với khách quốc tế bởi nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng. Thậm chí, các cơ quan làm du lịch Thái Lan cũng đang rất quan tâm tới VN và muốn hợp tác với chúng ta vì VN có những sản phẩm du lịch cao cấp, có thể giúp Thái Lan thoát khỏi "mác" điểm đến du lịch giá rẻ.
"Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều và đều ở khách sạn. Qua nghiên cứu cho thấy chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại…; do đó cần phát triển thêm sản phẩm du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Chúng tôi đang liên kết với ngành nông nghiệp, công thương để khách tăng chi tiêu, mua sắm, sẽ đem lại doanh thu lớn. Để đạt hiệu quả về doanh thu, tất cả các ngành cần tạo sản phẩm để thu hút, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách", ông Nguyễn Quý Phương thông tin.
Cũng đặt câu hỏi vì sao khách đến Thái Lan đông, quay lại 4 - 5 lần trong khi số lượng khách quay lại VN rất thấp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp, nhấn mạnh đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, bởi chi phí bỏ ra để có thể khai thác 1 khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới. Chưa kể, để đón được 1 khách quốc tế tới VN, các DN phải bỏ ra số tiền rất lớn cho công tác quảng bá, xúc tiến thị trường nhưng phần thu về không tương xứng vì khách chỉ ở ít ngày, mức chi tiêu rất thấp.
Ông Kỳ nhận diện mấu chốt do các cơ chế, chính sách cho ngành du lịch còn chậm, thiếu đồng bộ. Cụ thể, chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chính sách visa hiện nay có nhiều cố gắng thay đổi nhưng chưa linh hoạt bằng và vẫn chậm hơn các nước. Vấn đề quy hoạch cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Thái Lan xác định rõ họ muốn bao nhiêu khách ở thị trường nào, làm gì để đạt được mục tiêu đó. Nếu không làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực thì việc đầu tư sẽ rất dàn trải và tốn kém.
Mặt khác, vấn đề môi trường, sản phẩm du lịch cũng rất quan trọng. Thực trạng hiện nay là hệ thống sản phẩm hình que theo trục bắc - nam, khách đi 1 lần coi như biết hết VN, không cần quay lại. Các địa phương thì cạnh tranh nhau, nơi nào cũng muốn trở thành thủ phủ du lịch. VN chưa có quy hoạch bộ sản phẩm hình nan hoa, từ đó tạo kết nối, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ nhau, tạo ra bộ sản phẩm đa dạng, giữ khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Kết nối du lịch để tạo sản phẩm thì hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo.
"Tất cả những câu chuyện này có liên quan mật thiết với nhau và đều dẫn về mẫu số chung: Chính sách hỗ trợ đối với ngành du lịch. Nếu Chính phủ đã xác định du lịch là ngành mũi nhọn thì phải có những chính sách đồng bộ, cần ưu đãi, đầu tư mạnh cho chính sách đối với ngành du lịch", Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp nêu vấn đề.
Đề nghị xem xét miễn visa thị trường Trung Quốc
Thị trường khách Trung Quốc sẽ phục hồi tốt nhưng ngành du lịch VN đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan. Dữ liệu của nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy,
5 thị trường Đông Nam Á được khách Trung Quốc quan tâm lần lượt là: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và VN. Với việc miễn thị thực vĩnh viễn cho khách Trung Quốc từ tháng 3, cùng các giải pháp mềm như cho phép các hộp đêm được kéo dài thời gian mở cửa từ 2 lên 4 giờ sáng, cắt giảm thuế với đồ uống có cồn…, Thái Lan đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm nay. Với sự cạnh tranh này, các DN du lịch đề nghị Chính phủ xem xét miễn visa cho khách Trung Quốc, đồng thời có chiến lược xây dựng các sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách Trung Quốc…
VN là viên ngọc tuyệt đẹp của Đông Á
The Travel, tạp chí du lịch của Canada, giới thiệu VN nổi tiếng là một trong những quốc gia yên bình nhất thế giới. Đất nước bên bờ Biển Đông đang vươn mình phát triển mạnh mẽ với sức sống mãnh liệt, ngày càng trẻ trung, năng động, hiện đại. Bề dày lịch sử, nền văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ khiến VN trở thành một trong những đất nước tuyệt vời nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, những cánh đồng lúa bát ngát, những khu chợ nổi độc đáo càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho đất nước xinh đẹp này. The Travel cho biết, phở Hà Nội, các đảo đá vôi ở vịnh Hạ Long, động Phong Nha hay vùng sông nước ĐBSCL chỉ là một vài trong số vô vàn điều hấp dẫn đang chờ đợi du khách ở VN.
Bình luận (0)