Nghị quyết này dựa theo đề xuất của Bộ Công thương tại báo cáo số 283 ngày 27.5 vừa qua.
Theo đó, giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất. Mức điều chỉnh này áp theo quy định tại Quyết định số 648 ngày 20.3.2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại luật Du lịch 2017 cùng các văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, giảm tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 không thu phí, mua điện từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện. Mức giảm tiền điện như sau: Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid -19; Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với các cơ sở phục vụ phòng, chống bệnh Covid -19 thu phí cách ly y tế tập trung được quy định tại Nghị quyết số 16 ngày 8.2 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch.
Thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền đợt 3 cho khách hàng sử dụng điện là 7 tháng từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12.
Trước đó, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho hầu hết khách hàng, trong đó có các cơ sở lưu trú du lịch. Đợt 1 thực hiện từ tháng 4.2020 đến tháng 7.2020; Đợt 2 thực hiện từ tháng 10.2020 đến tháng 12.2020.
Sau những đòn giáng quá mạnh của dịch bệnh Covid-19 từ đầu 2020 đến nay, thông tin các khách sạn đóng cửa, rao bán ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang tìm kiếm mua - bán bất động sản. Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao/tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35% so với năm 2019.
Bình luận (0)