"Khách thương hồ" ở lại

09/10/2012 11:20 GMT+7

Sau Khóc hương cau (truyện ngắn), Công tử Bạc Liêu – sự thật và giai thoại (biên khảo) và Đạo gác cu miệt vườn (bút ký), nhà văn Phan Trung Nghĩa vẫn “cắm sào” ở lại quê nhà Bạc Liêu để cho ra mắt tiếp tập truyện ký Khách thương hồ (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, quý 3.2012) với 25 câu chuyện mà ai đang xa xứ miền Tây, lỡ đọc xong rồi, như nghe vọng lên một tiếng gọi thầm: “Ôi, quê hương yêu dấu!”.

"Khách thương hồ" ở lại

Lối kể chuyện của Phan Trung Nghĩa chơn chất mà buồn thương; chuyện nào cũng gợi nhớ hình ảnh quê nhà sông nước với bao thế hệ nông dân mang dòng máu “trọng nghĩa, khinh tài” của cha ông đi khai phá đất phương Nam. Như là chính tác giả bộc bạch trong Mùa rẹm hội: “Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ là nông dân. Con rẹm, con cá, ngọn rau… ở vùng đồng chua nước mặn đã nuôi tôi nên vóc nên hình. Thế nên tôi quý yêu, kính trọng cái vùng đất Nam bộ giàu sản vật nức tiếng của ngày xưa”.

Là nhà báo, anh lang bạt khắp ĐBSCL và kể lại những “câu chuyện quê mùa” bằng tâm hồn của một nhà văn. Tỉ như: “Trên dòng sông Bạc Liêu, trăng tháng Mười bàng bạc, từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau kéo về. Tiếng quẫy nước, tiếng khua chèo, tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng những con vạc ăn đêm đánh thức những dòng sông lạnh vắng. Tiếng hò của ai đó cất lên: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/ Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông”… Khách thương hồ cứ theo dòng nước lũ của sông Tiền qua sông Hậu, rồi xuống Ngã Năm, Ngã Bảy để vào Bãi Xàu, Cổ Cò mà về Bạc Liêu, Cà Mau… Những vùng đất miệt Hậu Giang nổi tiếng phèn chua nước mặn với câu ca: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma” với những xóm nhà thưa thớt, đìu hiu, bỗng trở nên đông vui, nhộn nhịp” (Khách thương hồ).

Hay như trong Gió chướng lại về, sau khi da diết nhớ những sản vật mà mùa gió chướng đem về cho nông dân nghèo mỗi năm, Phan Trung Nghĩa kết thúc câu chuyện: “Tôi ao ước có tiền, tôi sẽ làm một gian trưng bày những dụng cụ nhà nông như cây cày, cây trục, cái ách trâu, cái vòng gặt, cây cù nèo, cây phảng… Phía sau nhà tôi chất một đống rơm và sau nữa là một ruộng lúa nhỏ được cấy những giống lúa mùa muộn… để tôi tặng bạn bè đi xa của tôi cái không gian của ký ức, tặng những người trẻ tuổi một điều mà họ chưa từng trông thấy, là: Ngày xưa, ông bà cha mẹ ta đi khai hoang lập ấp, làm ra hạt lúa khó khăn đến chảy máu mắt! Họ sống một cuộc sống vô cùng vất vả! Và niềm mơ ước nhỏ nhoi, đơn sơ của họ là mong chờ những mùa gió chướng hằng năm lại về”.

Những câu chuyện của anh, cứ vậy, dễ chạm vào nỗi niềm xa xứ của con người. Ta như muốn làm khách thương hồ lang bạt nhưng vẫn ham cắm sào đậu lại để nghe ai kể tiếp những chuyện: Vườn xưa, mắm đồng một thuở, miền chim hát, cá kèo nổi như mù u rụng, tết quê, anh đi giăng câu, mùa tát đìa, nếp nhà xưa, những mùa lúa đã xa, tản mạn về ba khía, chái bếp nhà quê, chòm nhà giữa ruộng…

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.