Du lịch nước ngoài gia tăng mạnh
Khảo sát một số công ty du lịch cho thấy du khách VN đi nước ngoài đang tăng đáng kể. Đại diện Công ty du lịch TST tourist cho biết trước đây tỷ lệ khách mua tour nội địa và tour nước ngoài của công ty thường ở mức 50/50, nhưng 2 năm trở lại đây là 60/40 với cán cân nghiêng về các tour du lịch nước ngoài. Tại Công ty truyền thông Du lịch Việt, lượng khách đi du lịch nước ngoài chiếm tới 70 - 80%.
Du khách VN cũng rất chịu chi khi đi du lịch nước ngoài. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch VN, năm 2016 có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 7 - 8 tỉ USD; trong khi năm 2012 là khoảng 3,5 tỉ USD.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Minh Mẫn cho biết các nước và vùng lãnh thổ lân cận có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều muốn thu hút khách VN thay thế khách Trung Quốc vì họ biết tiềm năng khách VN rất lớn. Người VN xuất ngoại du lịch còn mạnh tay trong việc mua sắm. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đánh giá các nước làm du lịch rất “khôn”, chiêu dụ khách VN bằng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các công ty du lịch Việt đưa khách sang nước họ để có giá tour tốt. Các điểm đến ở các nước này thậm chí có cả tiếng Việt, nên ngày càng thu hút du khách Việt.
Rẻ hơn trong nước
Hầu hết khách trong chuyến đi du lịch Đài Loan 5 ngày 4 đêm cuối tháng 7 vừa rồi do Saigontourist tổ chức đều có chung nhận xét, các điểm đến của VN đẹp, hấp dẫn hơn nhiều. Tuy nhiên sự chuyên nghiệp, chất lượng, giá rẻ... là những lý do khiến ngày càng nhiều người Việt chọn đi du lịch nước ngoài. Một yếu tố quan trọng là giá dịch vụ du lịch nội địa cao, gây bất lợi trong việc cạnh tranh với các điểm đến nước ngoài. Đơn cử một tour du lịch Thái Lan 5 đêm 6 ngày giá từ khoảng 7 - 10 triệu đồng/người, trong khi một tour cùng số ngày từ TP.HCM ra Hà Nội (đi Sa Pa, Hạ Long) cũng xấp xỉ 9 triệu đồng/người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá dịch vụ trong nước cao, theo ông Mẫn, do cứ dịp lễ, tết là giá đồng loạt tăng cao bất thường.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, bổ sung: nhiều điểm đến trong nước còn làm ăn chụp giật, dịch vụ không ổn định, không giữ chữ tín. Không ít lần công ty ông dẫn khách đoàn từ TP.HCM ra Hà Nội, đã thỏa thuận đặt trước phòng khách sạn nhưng đến nơi lại bị từ chối với lý do hết phòng.
Ở góc độ khác, ông Trần Văn Long cho rằng giá tour ở VN cao do không có chính sách hỗ trợ khiến các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, điểm đến, phương tiện di chuyển phải đẩy giá cao mới đủ bù chi phí.
Tour nội đắt đỏ vì thiếu liên kết
Xu hướng người Việt thích đi du lịch nước ngoài hơn trong nước, theo các chuyên gia, nếu để lâu sẽ gây thiệt hại cho du lịch và kinh tế VN. “Không giữ được nguồn khách nội, chúng ta không thể có chi phí để tái đầu tư điểm đến, tạo sản phẩm mới hay xúc tiến, quảng bá du lịch”, ông Mẫn cảnh báo.
Một chuyên gia du lịch cho rằng lý do quan trọng để tạo nên giá tour cạnh tranh của nhiều nước là sự bắt tay liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, thương mại, hàng không, ẩm thực, trong đó nhạc trưởng là nhà nước. "Còn chúng ta thì vẫn mạnh ai nấy làm, rất khó để có giá cạnh tranh", vị này nói.
Cách khắc phục tốt nhất là phải nâng cao quản lý nhà nước, thuyết phục người dân cùng làm du lịch, quyết liệt ngăn chặn nạn chặt chém mùa cao điểm, giảm bớt các loại phí tham quan. “Nhà nước phải có chính sách ưu đãi về thuế để giảm giá tour trong nước, tạo cú hích cho phát triển du lịch nội địa”, ông Huê đề xuất.
Bình luận (0)