Khách Việt đi du lịch nước ngoài rồi 'biến mất' có vi phạm pháp luật Việt Nam?

27/12/2018 15:33 GMT+7

Việc khách du lịch có hành vi 'bỏ trốn' là vi phạm pháp luật nước Việt Nam. Theo đó, tuỳ vào mức độ mà họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự.

Trong ngày 27.12, các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết đã tìm thấy một số người trong số 152 du khách Việt Nam "mất tích" sau khi nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng (Đài Loan).
Cũng từ vụ việc chấn động 152 du khách Việt "mất tích" ở Đài Loan này, nhiều bạn đọc thắc mắc việc du khách Việt Nam nếu “biến mất” hoặc “bỏ trốn” thì có bị xử lý gì không?

Nhẹ: Hành chính, Nặng: Hình sự

Trả lời vấn đề này, theo luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật), việc khách du lịch có hành vi “bỏ trốn” hiển nhiên vi phạm pháp luật nước Việt Nam. Theo đó, tùy vào mức độ mà họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự.
LS Công phân tích, hành vi này có ý thức muốn xuất cảnh và cư trú trái pháp luật Việt Nam, vì vậy họ sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo Điểm a và b Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, điều 17 quy định rõ về vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại. Theo đó, sẽ phạt tiền nếu ai qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài.
“Còn nếu những khách du lịch này đã bị xử lý vi phạm hành chính thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh đối với hành vi xuất cảnh trái phép của mình, chế tài lúc này là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, LS Công nói.

Khi nào có thể khởi tố để điều tra ?

LS Công phân tích thêm, theo thông lệ, nếu có hành vi đi du lịch rồi trốn ở lại nước ngoài không về Việt Nam cũng là hành vi nhập cảnh và cư trú ở nước ngoài bất hợp pháp. Vì vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình theo pháp luật sở tại.
Tương tự, theo LS Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng LS Kết nối, Đoàn LS TP.Hà Nội), sau khi tìm được các du khách Việt Nam "mất tích" ở Đài Loan và lấy lời khai các bên, có khả năng Đài Loan sẽ áp dụng biện pháp trục xuất những du khách này về Việt Nam. Khi đó Việt Nam sẽ xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra (nếu có).
Ngoài ra, LS Hùng cũng nhấn mạnh, trong vụ việc này còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, rằng nếu không có sự hứa hẹn, sắp đặt, tổ chức thì không thể có câu chuyện 152 người đồng loạt "mất tích" ở Đài Loan.
Thanh tra Sở du lịch TP.HCM làm việc với đại diện Công ty Kỳ nghỉ quốc tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ visa cho 152 khách Việt Nam "mất tích". Giám đốc công ty ngồi ngoài cùng từ trái sang Ảnh: Trung Hiếu
“Đây là một tập thể cả trăm người chứ không phải 1 hoặc 2 người. Phải có sự bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch và mục đích... Việc này sẽ rõ hơn trong quá trình lấy lời khai của từng vị khách, khi Đài Loan tìm thấy họ; thông tin từ người thân/gia đình họ, từ các công ty tổ chức chuyến đi...”, LS Hùng nhận định.
Cũng theo LS Hùng, nếu chứng minh được các tình tiết "mất tích" thực chất là "bỏ trốn", các cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 BLHS năm 2015, sau đó sẽ tiến hành lấy lời khai, xác minh để làm rõ cá nhân, tổ chức đóng vai trò chủ mưu để xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.