Từ năm 2000 đến nay, việc thu học phí và một số khoản thu khác trong các trường công lập ở Hà Nội thực hiện theo Quyết định 73 ngày 16.8.2000 của UBND thành phố. Với quy định này, các trường đều cho rằng quá thấp so với thời giá hiện nay. Ông Lê Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng thừa nhận: "Quyết định 73 không còn phù hợp với thực tế. Nhà nước lại yêu cầu các trường trích 40% nguồn thu để chi lương cho giáo viên, do đó gây khó khăn cho việc chi tiêu thường xuyên từ các khoản thu của các trường". Trong thực tế, phát sinh một số khoản thu nhưng chưa có quy định cụ thể nên đã nảy sinh những vướng mắc cho các trường. Trong tháng 4.2005, liên ngành Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh, bổ sung mức thu và sử dụng nguồn thu học phí cũng như các khoản thu khác ở các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố. Theo tờ trình này, không chỉ các mức thu được đề xuất từ năm 2005 trở đi đều tăng, mà còn có thêm một số mục trong danh mục các khoản thu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này UBND thành phố chưa đồng ý. Cũng theo ông Lê Ngọc Quang, "sở dĩ UBND thành phố chưa có ý kiến vì phải đợi văn bản thay thế Quyết định 70 của Chính phủ. Quyết định này cho phép các trường được chủ động thu chi, trong khi Quyết định 73 của UBND thành phố Hà Nội lại quy định mức thu học phí và các khoản thu khác rất thấp. Vì vậy, các trường cảm thấy vô lý giữa việc thực hiện nghiêm túc Quyết định 70 của Chính phủ và Quyết định 73 về xã hội hóa". Ông Nguyễn Văn Ngữ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) vẫn khẳng định: Năm học 2005-2006, các địa phương vẫn thực hiện theo Quyết định 70 khi chưa có văn bản thay thế.
Theo Quyết định 73/2000 của UBND TP Hà Nội, mức thu học phí của học sinh mầm non có cha mẹ làm nông nghiệp: 10.000 - 15.000 đồng/tháng; Mẫu giáo: 50.000 đồng/tháng; Nhà trẻ: 70.000 đồng/tháng. Tiểu học: không thu; THCS: Cha mẹ làm nghề nông: 10.000 - 15.000 đồng/tháng; Các thành phần khác: 20.000 đồng/tháng. THPT: Cha mẹ nghề nông: 20.000 - 25.000 đồng/tháng; Các thành phần khác 30.000 đồng/tháng; Học phí hệ B không quá 90.000 đồng/tháng (cha mẹ làm nghề nông không quá 60.000 đồng/tháng). Các khoản thu khác bao gồm thu đóng góp xây dựng trường mức cao nhất không quá 40.000 đồng/học sinh/năm, đối với học sinh có cha mẹ làm nghề nông không được thu quá 20.000 đồng/năm... |
Như vậy, năm học 2005-2006 sẽ không có sự thay đổi nào về vấn đề thu học phí và các khoản thu khác. Và điều đó cũng có nghĩa, Quyết định 73 quy định một đằng và các trường lại tiếp tục thu theo... "kiểu" khác. Rất nhiều phụ huynh phàn nàn: "Đi họp cho con đầu năm khi nhận "phiếu" thanh toán (thông báo các khoản đóng góp) thấy dài dằng dặc mà hãi hùng. Nào là tiền học phí, tiền đóng góp cơ sở vật chất, tiền đồng phục, hỗ trợ quỹ đoàn đội, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, tiền học bán trú, tiền ăn, tiền nước uống... và đầy các khoản mà nội dung của nó không ai hiểu nổi. Tại sao cứ è cổ bắt các cháu học sinh còn bé tý phải đóng góp cho "tỷ" các loại quỹ: quỹ người mù, quỹ người nghèo, rồi quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt...". Những cháu bé mới vào lớp 1 còn phải đóng những khoản "tự nguyện" theo sự gợi ý của nhà trường để xây dựng cơ sở vật chất. Mà đã gọi là tự nguyện thì vô cùng, phụ huynh nào cũng phải bấm bụng mà nộp một khoản tiền “nằng nặng”, không lại mang tiếng thiếu trách nhiệm với nhà trường...
Các khoản thu ở một trường THCS Thanh Niên đã nhận được một số thư của bạn đọc gửi đến bức xúc về việc đóng góp các khoản thu, trong đó có khoản đóng góp cho quỹ phụ huynh học sinh. Ông Nguyễn Hữu Điền ở quận Long Biên, có cháu đang học ở một trường THCS của Hà Nội, viết: "Từ đầu năm học mỗi học sinh phải đóng đủ khoản tiền, phụ huynh học sinh lại đề ra 9 khoản thu nữa, gồm: mua chổi trực nhật + hót rác phục vụ vệ sinh lớp học: 70.000 đồng; Tiền photo và in ấn bài kiểm tra: 500.000 đồng; Tiền thuê và mua quần áo phục vụ văn nghệ đợt 20.11: 300.000 đồng; Chi quà nhân ngày Nhà giáo: 700.000 đồng; Mua hoa tặng thầy cô nhân ngày 20.11: 300.000 đồng; Phần thưởng cho học sinh 20.11: 300.000 đồng; Chi cho các đợt thi đua của học sinh đến hết năm học: 300.000 đồng; Chi tổng kết + phát thưởng: 900.000 đồng; Chi sửa chữa và chi phát sinh khác: 200.000 đồng. Tổng cộng 3.570.000 đồng. Dự kiến mức thu mỗi học sinh 80.000 đồng. Cái gì cần đóng góp phải đóng góp cho danh chính ngôn thuận, nhà trường không thể đưa đẩy trách nhiệm cho chi hội phụ huynh. Còn nhiều hoàn cảnh khó khăn mà mỗi lần đóng góp phải rút bớt gắp rau, miếng thịt trên bát cơm hằng ngày... Không ai dám nói ra với nhà trường vì sợ con cái mình bị trù dập, bị gây khó khăn...". Tâm sự của một người ông 70 tuổi đáng để các cơ quan có trách nhiệm phải suy ngẫm và sớm có giải pháp cho vấn đề này. |
Thu Hồng
Bình luận (0)