Tham dự Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2, có ông Nguyễn Hòa Bình, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thái Thanh Quý, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế T.Ư; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương…
Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số có chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động"; hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Tại diễn đàn còn có các phiên thảo luận về chuyển đổi số các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực để tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới và nâng cao năng suất lao động…
Giải pháp tăng năng suất lao động trong kinh tế số
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 25% vào năm 2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, phát triển kinh tế số.
"Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì năng suất lao động chắc chắn sẽ tăng...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt.
"Chúng tôi mong muốn xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chất lượng cho người dân", ông Võ Văn Minh cho hay.
Bình luận (0)