Tường thuật trực tiếp
Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14
Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14
|
Từ 7 giờ 15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
|
Theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội, từ 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua chương trình kỳ họp. Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 14 sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020); nghe Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ phát thanh và truyền hình trực tiếp phiên khai mạc để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Tại kỳ họp kéo dài 24 ngày, từ 22.10 tới 21.11, dự kiến Quốc hội sẽ dành 9,5 ngày cho công tác lập pháp, 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, 1,5 ngày cho công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm và 10 ngày cho việc giám sát các chuyên đề của Quốc hội.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc sẽ sẽ xem xét, thông qua 9 luật, nghị quyết gồm: luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Đặc xá (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; luật Chăn nuôi; luật Trồng trọt; luật Cảnh sát biển Việt Nam; luật Bảo vệ bí mật nhà nước; luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến 6 dự án luật khác, gồm: luật Giáo dục (sửa đổi); luật Kiến trúc; luật Quản lý thuế (sửa đổi); luật Đầu tư công (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự; luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; xem xét báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018...
Một nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 23.10, một ngày sau khi khai mạc kỳ họp. Trước đó, tại Hội nghị T.Ư 8, 100% đại biểu có mặt đã thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo dự kiến, kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ được công bố vào chiều 23.10 và tân Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ tại Quốc hội ngay sau đó.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng phê chuẩn miễn nhiệm và bổ nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Tiếp đó, trong các ngày 24 - 25.10, sau khi hoàn thành công tác nhân sự, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với 48 trên tổng số 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bình luận (0)