Khai mạc phiên tòa xét xử vụ “chạy” quota ở Bộ Thương mại

13/03/2007 11:48 GMT+7

6h30 phút sáng nay (13.3.2007), 5 bị cáo bị tạm giam trong vụ “chạy” quota ở Bộ Thương mại đã được đưa đến trụ sở TAND TP.HCM trên những chiếc xe chuyên dụng. Trong đó, có Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại), Lê Văn Thắng (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Thương mại) bị xét xử về tội “nhận hối lộ”. >> Nhấn vào đây xem video clip

Bùi Văn T.  (nguyên Giám đốc Công ty TNHH T.), Nguyễn Cương (Phó ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) bị xét xử về tội “làm môi giới hối lộ”; Lai Wai Hung (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH Sundance Clothing) bị xét xử về tội “đưa hối lộ”.

Sau đó, các bị cáo tại ngoại cũng lần lượt xuất hiện tại tòa cùng với người nhà hộ tống. Mai Thanh Hải (nguyên chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, con Mai Văn Dâu) bị xét xử về tội “lừa đảo”; Trần Thu Lan (nguyên Phó giám đốc công ty TNHH May & Thương mại Á Châu), Lưu Thị Minh Hiền (nguyên giám đốc công ty TNHH Hải Minh) bị xét xử về tội “đưa hối lộ”; Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng - Bộ Thương mại) bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Võ Thị Thanh Hằng (nguyên giám đốc DNTN Hoàng Trí) bị xét xử về tội “làm lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”; Bùi Thị Huyền Nga (“cò” chạy hạn ngạch) bị xét xử về tội “làm môi giới hối lộ”; Trịnh Thị Hồng Điệp, Phạm Anh Tuấn, Phan Nghĩa Hiệp (cùng là “cò” chạy hạn ngạch) bị xét xử về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

Vụ án này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều hãng thông tấn, báo chí trong nước. Hàng chục hãng thông tấn, báo chí trong nước đã đến phiên tòa để đưa tin, ghi hình về phiên xử từ rất sớm.


Bị cáo Mai Văn Dâu (phải) - Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại bị dẫn giải đến tòa - Ảnh D.Đ.Minh

Đúng 8h, phiên tòa xét xử vụ án “chạy” hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ xảy ra tại Bộ Thương mại do Chánh toà hình sự TAND TP.HCM - Nguyễn Đức Sáu - làm chủ tọa chính thức khai mạc. Ngồi ghế công tố theo ủy quyền của Viện KSND tối cao là ông Trần Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Hồng Vân.

Tham dự phiên toà chỉ có 14/26 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt theo giấy triệu tập của HĐXX, trong đó có 3 người là đại diện của Bộ Thương mại. Phần lớn những người vắng mặt là những người tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì có dấu hiệu lọt người, lọt tội.

Ngoài ra, chỉ có 11/13 luật sư có mặt tại phiên toà tham gia tố tụng. Hai trong số ba luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Dâu là Phạm Hồng Hải và Nguyễn Hoàng Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã vắng mặt trong phiên toà sáng nay (luật sư còn lại là Phan Trung Hoài). Ngoài việc bào chữa cho bị cáo Mai Văn Dâu, luật sư Phan Trung Hoài còn đảm nhiệm việc bào chữa cho bị cáo Mai Thanh Hải và bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp. Bào chữa cho bị cáo đầu vụ - Lê Văn Thắng - là luật sư Hoàng Thị Mỹ Đức. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cương, chuyên gia môi giới đưa hối lộ cho các quan chức, là luật sư Trần Văn Tạo và luật sư Nguyễn Văn Tuấn...

Sau khi xong phần thủ tục, đại diện Viện KSND TP.HCM đã công bố bản cáo trạng dài 60 trang.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, thông qua Nguyễn Thị Kim Oanh, Lai Wai Hung (Phó tổng giám đốc công ty Sundance) và Tsang Tak Lung (Tổng giám đốc công ty Leader One) đã ký hợp đồng giao cho Bùi Văn T.  làm đại diện công ty liên hệ với Bộ Thương mại để xin được hạn ngạch. Tổng chi phí cho việc “chạy” quota trong 2 hợp đồng này lên đến gần 1,2 triệu USD (3 USD/tá sản phẩm).


Các bị cáo tại tòa - Ảnh D.Đ.Minh

Theo đúng thoả thuận, Bùi Văn T.  đã sắp xếp sắp xếp cuộc gặp giữa Công ty Sundance và Leader One với ông Dâu, đổi lại Bùi Văn T.  được nhận được 237 ngàn USD (20% trị giá hợp đồng). Sau đó, Bùi Văn T. “bắt mối” với Nguyễn Cương để tiếp tục thực hiện việc “chạy” quota. Theo  yêu cầu của Cương, Bùi Văn T. đã đến nhà Mai Văn Dâu đưa 5.000 USD cùng với áo vest Ý trị giá 380 USD cho bà Nguyễn Diên Hồng (vợ bị cáo Dâu). Ngoài ra, Bùi Văn T. còn đưa cho Cương 4 lần tiền tổng cộng 140.000 USD để “trà nước” nhưng việc “chạy” quota bất thành nên Tsang Tak Lung đã tố cáo đến cơ quan chức năng.

Không nhờ được Bùi Văn T., Lai Wai Hung chuyển sang nhờ Cương với giá 3,6 USD/tá. Sau nhiều lần được Cương đưa đến nhà riêng của ông Dâu, Lai Wai Hung đã được cấp gần 26 ngàn tá hạn ngạch với 4 bút phê của ông Dâu vào đơn. Để thực hiện được việc này, Cương khai đã “chung chi” cho Mai Văn Dâu 13.000 ngàn USD và Lê Văn Thắng 12.000 USD. Ngoài ra, Cương còn “môi giới” cho một số công ty khác như: công ty Đế Vương (Long An, được cấp 39 ngàn tá sản phẩm), công ty Lawn Yard (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, TP.HCM) được Dâu bút phê vào đơn xin cấp 1.500 tá sản phẩm với số tiền “lót tay” từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD.

Năm 2003, do thiếu hạn ngạch xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ nên Trần Thu Lan (Phó giám đốc công ty may Á Châu, TP.HCM) nhờ Bùi Thị Huyền Nga (người quen biết với Lê Văn Thắng) “mai mối” đến gặp người có trách nhiệm ở Bộ Thương mại để xin hạn ngạch. Nga đã dẫn Lan ra Hà Nội 17 lần (đều có “chung chi”) để gặp Lê Văn Thắng và Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú (hai chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ thương mại). Riêng Phú  phủ nhận, còn đối với Thắng và Minh, cơ quan điều tra xác định Lan đã đưa 17.000 USD (Thắng 15.000 USD, Minh 2.000 USD).

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định: Do có mối quan hệ với Thắng nên Trần Kim Dung đã đứng ra làm trung gian “chạy” hạn ngạch cho công ty QMI. Trong 5 lần gặp Thắng, Dung đưa 3.000 USD. Thắng chỉ đạo cho Phú khi nào Dung bổ sung đủ hóa đơn mua vải sản xuất trong nước phù hợp với số lượng Thắng đã duyệt hạn ngạch thì mới thông báo cho Dung. Tuy nhiên, công ty QMI chưa bổ sung hóa đơn nhưng Phú vẫn đề xuất lãnh đạo ký duyệt hạn ngạch và thông báo cho Dung biết công ty QMI được duyệt 23.635 tá sản phẩm. Sau đó, Công ty QMI không xuất hết, còn dư 8.000 tá sản phẩm đã bán lại cho các doanh nghiệp khác...

Chiều nay, HĐXX sẽ bắt đầu với phần thẩm vấn các bị cáo.

Lê Nga - Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.