'Khai minh' bằng bài học... nói dối !

05/11/2013 03:00 GMT+7

Trẻ em là “tờ giấy” trắng. Việc để lại những “nét” đầu tiên trên “tờ giấy” ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó sẽ là tiền đề kiến tạo nhân cách của các em sau này. Vậy nhưng không ít lúc, vì những lý do khách quan hoặc chủ quan, chúng ta đã vô tình bôi bẩn tâm hồn trẻ, để lại những “dư chấn” làm méo mó tâm hồn trẻ thơ.

Về nguyên tắc, bậc mầm non chỉ có nhiệm vụ cho trẻ “làm quen với chữ viết”. Những kỹ năng cầm bút, viết chữ, tư thế ngồi viết... trẻ sẽ được hình thành ở đầu cấp tiểu học. Vậy nhưng, do áp lực chương trình, nhiều giáo viên lớp 1 hiện nay, nhất là ở thành phố, đã lơ khâu này, xem như đó là trách nhiệm của trường mầm non. Ngay từ tuần đầu tiên ở lớp 1, có giáo viên dạy tiếng Anh còn bắt học sinh chép (bằng bút chì) gần... nửa trang giấy học trò. Không còn cách nào khác, gánh nặng chuyển lên vai cô cháu mẫu giáo.

Hệ quả là nhà trường phải lách luật để... dạy chữ trước. Mỗi khi có đợt kiểm tra, phụ huynh và trẻ được nhắc nhở phải tuyệt đối để vở ở nhà; cô giáo nào sơ sểnh để cháu mang vở học vào lớp mà bị đoàn thanh tra của sở, phòng GD-ĐT phát hiện thì coi như... xui tận mạng. Dĩ nhiên, để an toàn tuyệt đối, các cô thường dặn dò trẻ, khi có cô bác nào hỏi đến, phải trả lời: “Cháu chưa được học chữ, chưa biết đọc, biết viết”. Đây là lỗi “hệ thống”, sao lại ép giáo viên phải khai minh cho trẻ thơ bằng bài học... nói dối đầu đời như thế?

Không ít chuyện đáng buồn xảy ra bằng việc trách phạt trẻ bằng đòn roi. Việc cô giáo dùng thước đánh vào gan bàn tay, bàn chân của trẻ khi các em phạm lỗi là không hiếm. Mỗi lần như thế, giáo viên thường tự cho mình có quyền “thưởng cho cháu một (vài) bông hoa!”. Điều đó sẽ giúp họ thoát khỏi sự phản ứng của phụ huynh bởi khi nghe các con bảo hôm nay được cô giáo “thưởng hoa”, ai mà chẳng rạng ngời hạnh phúc, còn tâm trí đâu để hỏi trẻ hoa gì, thưởng trong trường hợp nào... Hậu quả tất yếu là trẻ rơi vào trạng thái hồ đồ giữa đúng và sai, giữa thưởng và phạt, giữa thật và giả...

Chuyện nhà trường “giam” các cháu, con của những phụ huynh chưa nộp tiền mua vé trong phòng học để các bạn mua vé được ra sân xem xiếc, việc các cô giáo vô tư hồn nhiên kiểm tra, bình phẩm trước mặt con trẻ: Hoa của mẹ cháu A thì không có “nhụy”; hoa của ba cháu B thì “nhụy” to hết ý... vẫn diễn ra thường xuyên.

Những bài học về sự công bằng, lòng nhân hậu đã bị biến dạng ngay từ sớm, để lại những ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp trong lòng con trẻ. Thiên tính các em theo đó cũng sớm bị biến lệch theo những chiều hướng xấu. Thật xót!

Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền

>> Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân
>> Nhận dạy trẻ mồ côi miễn phí
>> Dạy trẻ cư xử tử tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.