Ngày 15.4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết đã ký văn bản giao công an tỉnh chỉ đạo cảnh sát môi trường mở đợt ra quân trong tháng 4 để kiểm tra, xử lý, truy quét những trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Chỉ nhắc nhở rồi cho qua
Thời gian qua, do giá cát xây dựng tăng cao nên tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra ngày càng rầm rộ. Dọc theo các sông lớn trên địa bàn tỉnh như Hà Thanh, Kôn, La Tinh, Lại Giang... đã xảy ra tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp khai thác cát trái phép.
Từ cầu Vạn Thiện trên QL1A (xã Mỹ Hiệp, H.Phù Mỹ) nhìn xuống sông La Tinh sẽ thấy đường đi của các xe vận chuyển cát. Sáng 14.4, PV Thanh Niên đi dọc theo đường vận chuyển cát từ thôn Đại Thuận sang thôn Hữu Lộc (xã Mỹ Hiệp), ở đâu cũng thấy dấu vết khai thác cát và dấu bánh của xe tải, xe độ, chế còn mới toanh. Tại khu vực bờ sông ở thôn Hữu Lộc có một nhóm đang khai thác cát, khi thấy có người xuất hiện, họ vội điều khiển xe độ, chế rời khỏi hiện trường.
Theo ông Bùi Thái Sơn, Trưởng phòng TN-MT H.Phù Mỹ, khu vực sông La Tinh từ cầu Vạn Thiện đi lên thôn Hữu Lộc chưa có đơn vị nào được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát, nếu có chỉ là khai thác trái phép.
Nhiều người dân thôn Vạn Thái (xã Mỹ Tài, H.Phù Mỹ) cũng tố cáo Công ty TNHH xây dựng Hoàng Khiêm (gọi tắt là Công ty Hoàng Khiêm, trụ sở ở xã Mỹ Hiệp) ngang nhiên đưa máy đào xuống lòng sông La Tinh ở địa phương để khai thác cát từ năm 2016 đến nay dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Đoạn sông chảy qua thôn này dài chưa đầy 3 km nhưng có đến 3 doanh nghiệp tổ chức khai thác cát khiến bờ sông bị xâm thực nghiêm trọng, hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa của người dân dọc bờ sông đối diện nguy cơ bị nước cuốn trôi, đường sá ngày một xuống cấp, hư hỏng.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài Hồ Văn Long cho biết Công ty Hoàng Khiêm mới chỉ được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương lập hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò cát xây dựng trên diện tích 2,4 ha. Việc đơn vị này khai thác cát khi chưa có giấy phép là sai. “Năm 2016, xã Mỹ Tài cử cán bộ phụ trách kiểm tra, ngăn chặn 2 lần. Do địa phương thấy công ty họ đã bỏ ra khoản kinh phí tương đối lớn để mở đường, thăm dò; thêm phần hỗ trợ địa phương 30 - 40 triệu đồng xây dựng hạ tầng, nên chỉ nhắc nhở rồi cho qua”, ông Long nói.
|
Kiểm tra việc khai thác, bán cát ra ngoài tỉnh
Nhiều người dân xã Hoài Mỹ (H.Hoài Nhơn) cũng rất bức xúc vì đường nông thôn bị hư hỏng, bụi bặm do xe chở cát chạy bất kể ngày đêm và việc sông Lại Giang không ngừng bị “móc ruột” khiến 300 ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị mặn xâm nhập. Theo người dân xã Hoài Mỹ, ban ngày thì xe mang biển số 77 (Bình Định) vận chuyển cát nhưng từ nửa đêm đến sáng thì xe mang biển số 76 (Quảng Ngãi) chở cát chạy xuống hướng xã Hoài Hương, đi sang TT.Tam Quan (H.Hoài Nhơn) để về Quảng Ngãi.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn, đoạn sông Lại Giang qua địa bàn xã Hoài Mỹ có 2 đơn vị được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát. Trong đó, Công ty TNHH xây dựng Thành Hương được cấp giấy phép khai thác từ giữa tháng 4.2015 với diện tích gần 11 ha và mỏ của Công ty Tân Thành được phép khai thác từ cuối năm 2016. UBND H.Hoài Nhơn vừa kiểm tra, phát hiện Công ty Tân Thành có vi phạm trong khai thác cát. Ngoài ra, UBND H.Hoài Nhơn cũng yêu cầu lực lượng công an kiểm tra thông tin các đơn vị khai thác cát bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa tìm được chứng cứ để xử lý.
“Khi cấp phép khai thác cát thì phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó có quy định mốc giới, độ sâu khi khai thác, giờ giấc khai thác... Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện Công ty Tân Thành khai thác cát ra ngoài mốc giới nên đã giao cho cơ quan chuyên môn lập hồ sơ để xử lý. Mới đây, một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Lại Giang đoạn chảy qua xã Hoài Đức cũng khai thác ra ngoài mốc giới, bị UBND tỉnh Bình Định xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng và đình chỉ khai thác 3 tháng”, ông Công nói.
Bình luận