Chóe có màu men nâu đặc trưng, cổ cao eo thắt, miệng bẻ loe, vành miệng vê tròn đều, vai xuôi, quanh vai gắn 4 tai ấn bẹt hai đầu, dáng thân phình tròn đều thu nhỏ dần về phía đáy, đáy bằng. Chóe cao 47 cm, chu vi thân 97 cm, quanh thân trang trí 6 mảng hoa văn hình xoắn nổi, chính giữa là hình hoa cúc. Hoa văn có 3 mảng lớn và 3 mảng nhỏ, hoa văn thuộc dạng in khuôn.
Cái hay ở chiếc chóe này là nó đã thể hiện được kiểu dáng, màu men và hoa văn trang trí được sản xuất tại khu lò Cây Me - những hoa văn đã được in từ những chiếc khuôn in chạm lộng bằng đất nung hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định.
Với các cứ liệu được kiểm chứng, có thể tin rằng những sản phẩm gốm mới tìm thấy đều là gốm của lò Cây Me, niên đại vào khoảng thế kỷ 14. Đến nay, Bình Định được xác định có 6 khu lò gốm Chăm, trong đó 3 khu lò đã được khai quật là Gò Sành, Gò Hời và lò Trường Cửu. Qua mỗi cuộc khai quật như thế, số hiện vật thu về ngày càng nhiều và sản phẩm ngày càng đa dạng, đưa Bình Định trở thành nơi có bộ sưu tập gốm Chăm nhiều nhất cả nước hiện nay.
Bình luận (0)