Khai trương bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hà Tĩnh

Phạm Đức
Phạm Đức
09/11/2020 18:34 GMT+7

Sau 3 năm xây dựng, công trình Bảo tàng Hoa Cương ở xã Bình An (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) rộng 1.500 m 2 với 4.000 hiện vật vừa chính thức được khai trương và đưa vào hoạt động.

Chiều nay, 9.11, công trình Bảo tàng Hoa Cương ở thôn Chân Thành (xã Bình An, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động.
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hà Tĩnh được UBND tỉnh này cấp phép hoạt động. Bảo tàng được xây dựng từ năm 2017, trên diện tích rộng 1.500 m2, do tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, giảng viên Trường đại học Quy Nhơn, làm chủ.
Bảo tàng hiện có 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, bút tích quý hiếm, được trình bày mang tính chất tổng hợp thiên về nông nghiệp, nông thôn. Hiện vật cổ xưa nhất là khối mộc hóa thạch 300 triệu năm và bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm.
Ngoài ra, còn có hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý, Trần, Lê. Những hiện vật còn lại có trong bảo tàng chủ yếu từ thời nhà Nguyễn, thời chiến tranh và thời bao cấp sau này.

Khối mộc hóa thạch 300 triệu năm tại bảo tàng

Ảnh Phạm Đức

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bảo tàng Hoa Cương, cho biết ngay từ thời đang học cấp 3, ông đã có ý tưởng lưu giữ các hiện vật quá khứ và mong muốn sau này sẽ thành lập một bảo tàng cho quê hương nơi ông sinh ra. Trở thành giảng viên tại Trường đại học Quy Nhơn và suốt 40 năm làm “người lái đò” tại ngôi trường này, ông vẫn luôn đau đáu về ước mơ ấy.
“Mãi đến năm 2004, tôi bỏ ra hàng tỉ đồng để xây dựng Nhà khuyến học Hoa Cương ở địa điểm xây dựng Bảo tàng Hoa Cương bây giờ. Nhà khuyến học lúc đó có gần 2 vạn đầu sách các loại, đáp ứng được niềm khát sách của người dân và dấy lên phong trào học tập ở xã Bình An cùng các vùng lân cận”, tiến sĩ Cương nói.

Khu trưng bày hiện vật là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp

Ảnh Phạm Đức

Theo tiến sĩ Cương, đến năm 2017, khi chỉ còn ít năm nữa là mãn cuộc hành đạo chữ nghĩa trên giảng đường đại học, ông mới quyết định khởi sự xây dựng bảo tàng như một trường học truyền thống để người dân quê hương, đặc biệt là các em học sinh đến tham quan, học tập. Sau gần 50 năm sưu tầm, lưu giữ hiện vật và 3 năm gấp rút xây dựng thì bảo tàng cũng đã thành hình.

Khách tham quan Bảo tàng Hoa Cương

Ảnh Phạm Đức

“Bảo tàng không chỉ lưu giữ hiện vật quá khứ mà còn là một trường học truyền thống. Nơi này sẽ trở thành địa điểm để các trường học tổ chức ngoại khóa, trực quan lịch sử cho học sinh các cấp. Việc đưa bảo tàng vào hoạt động còn tạo thêm một địa chỉ văn hóa cho người dân và du khách đến thăm Hà Tĩnh", tiến sĩ Cương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.