|
Tổng công ty công nghiệp tàu thủy có tên giao dịch quốc tế: SHIPBUILDING INDUSTRY CORPORATION (SBIC) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, đồng nghĩa chính thức “khai tử” thương hiệu Vinashin trên thị trường.
SBIC là công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Số công ty con gồm 8 công ty đóng tàu: Phà Rừng, Bạch Đằng, Hạ Long, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Sông Cấm. Vốn điều lệ của SBIC là 9.520 tỉ đồng, gồm các ngành nghề kinh doanh chính: đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ... SBIC sẽ thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây, cụ thể sẽ cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.
Trả lời Thanh Niên chiều 31.10, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ bổ nhiệm lại bộ máy nhân sự gồm ủy viên HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc... “Về cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo mới của SBIC, giữ lại bộ máy nòng cốt của Vinashin hiện nay để tiếp tục thực hiện đà tái cơ cấu. Việc sắp xếp với người lao động tại các công ty thành viên của Tập đoàn Vinashin bị giải thể sẽ thực hiện theo đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Công nói. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, SBIC sẽ thừa hưởng quyền và nghĩa vụ của Vinashin trước đây, bao gồm nghĩa vụ trả các khoản nợ trong và ngoài nước của Tập đoàn Vinashin.
Mai Hà - Đình Mười
>> Vinashin bị 'khai tử
>> Trái phiếu nợ 600 triệu USD của Vinashin được niêm yết tại Singapore
>> Vinashin phát hành trái phiếu khoản nợ 600 triệu USD
>> Tiếp tục tái cơ cấu Vinashin: Lùi để tiến ?
Bình luận (0)