Theo ông Đinh Hải Đăng, một chuyên gia khai vấn tại TP.HCM, khai vấn (coaching) hiện vẫn còn là một ngành nghề khá mới tại Việt Nam và bắt đầu phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. “Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Liên đoàn khai vấn quốc tế (International Coach Federation - ICF) thì đây là ngành có tốc độ phát triển nhanh thứ hai chỉ sau công nghệ thông tin...”.
ICF định nghĩa khai vấn là “mối quan hệ hợp tác, sáng tạo, khơi gợi suy nghĩ giữa coach (nhà khai vấn) và khách hàng, nhằm truyền cho khách hàng cảm hứng để đạt được tiềm năng tối đa của họ trong cuộc sống và công việc”. Ông Đăng cho rằng, khai vấn khác với tư vấn, cố vấn và tham vấn tâm lý dù coaching dùng nhiều nghiên cứu của tâm lý học về não bộ, cảm xúc và ngôn ngữ.
“Nếu như cố vấn có thể hiểu như là người đi trước dẫn dắt người đi sau dựa trên kinh nghiệm của họ trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, thì người khai vấn không hẳn phải là chuyên gia trong lĩnh vực của khách hàng. Nhờ vậy, cách tiếp cận của coach sẽ không bị ảnh hưởng bởi những định kiến có sẵn trước đó. Còn tham vấn tâm lý lại tập trung vào việc chữa lành nỗi đau trong quá khứ. Nó tập trung vào việc giải quyết những gì đã diễn ra trong quá khứ mà vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của cá nhân ấy. Coaching không được phép làm việc với những khách hàng có vấn đề về tâm lý”, ông Đăng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bà Đoàn Huỳnh Vân Anh, một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 6 năm trong nghề khai vấn, cho biết nhu cầu nhân lực của nghề khai vấn ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Bà Vân Anh thông tin: “Những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp muốn phát triển luôn phải chú trọng đến mảng phát triển đào tạo. Người khai vấn chính là người giúp cho những lãnh đạo của công ty, những nhân tố điển hình ngày càng cống hiến hiệu quả hơn nhờ vào những năng lực được khai mở”.
Theo bà Vân Anh, để có thể mở dịch vụ khai vấn, người khai vấn buộc phải có bằng chứng nhận của Liên đoàn khai vấn quốc tế (ICF), với thời gian đào tạo từ 60-75 giờ tùy cấp độ. Hiện chỉ có một số đơn vị ở Việt Nam được ICF cấp chứng nhận đào tạo. “Sau khi có chứng chỉ, thu nhập tùy thuộc vào uy tín và năng lực khai vấn của bạn. Hiện những khai vấn người nước ngoài được các tập đoàn mời với thu nhập 10 triệu đồng/giờ/người. Các khai vấn viên trong nước có kinh nghiệm, mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/giờ/người”, bà Vân Anh chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận trong ngành tâm lý học, có chuyên ngành tâm lý học tổ chức công nghiệp khá gần gũi với kiến thức và kỹ năng của nghề khai vấn. “Người học chuyên ngành này có thể đánh giá năng lực, xu hướng của cá nhân, khơi gợi tiềm năng từ đó đưa ra định hướng phát triển cho họ. Tốt nghiệp, các em có thể làm trong bộ phận nhân sự, giúp giám đốc nhân sự lựa chọn được những cá nhân tốt nhất phù hợp với từng vị trí công việc”, tiến sĩ Công cho biết. |
Bình luận (0)