“Ở đây là vậy đó em!”
Vợ chồng chị Trường Nhi có đứa con trai 5 tuổi, do sức đề kháng yếu nên thường hay đau ốm. Khi còn sống ở TP.Quy Nhơn (Bình Định), nhờ có nhiều bác sĩ quen nên chị Nhi phần nào đỡ vất vả mỗi lúc con đau ốm. Do yêu cầu công việc, vợ chồng chị chuyển nhà vào TP.HCM. Bạn bè đến chia tay, bảo “TP.HCM bác sĩ giỏi thiếu gì, việc chăm sóc sức khỏe cho cu con sẽ tốt hơn”. Thế nhưng, mọi chuyện không như vậy.
|
Do yêu cầu công việc, chị Nhi và chồng phải đi làm suốt ngày. Vì thế, mỗi khi con bị đau ốm vặt, anh chị chọn phương án đưa đến phòng mạch tư để khám sau giờ hành chính. Cách đây khoảng 7 tháng, có người giới thiệu phòng mạch của một bác sĩ chuyên khoa nhi trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10), chị Nhi lặn lội đưa con từ Q.2 đến khám. Thoạt nhìn phòng khám sạch sẽ, khang trang, ngăn nắp và ít bệnh nhân, chị thầm nghĩ con mình sẽ được khám kỹ lưỡng ở phòng mạch này. Đưa con vào phòng khám, một nữ bác sĩ khoảng 45 tuổi vừa đưa tay cầm vội ống nghe, vừa hỏi: “Cháu bị gì?”. “Mấy hôm nay cháu bị ho và giờ sốt cao…”, chị Nhi nói chưa dứt lời thì bác sĩ đã bảo vén áo của con lên. Chạm ống nghe ở ngực bé chừng 5 giây, bác sĩ nói gọn: “Cháu bị viêm phổi rồi”. Đang bất ngờ với cách khám nhanh như xẹt điện, chị Nhi càng bất ngờ hơn khi nhận một bịch thuốc đủ loại mà chẳng có toa. Dường như thấy được vẻ bất an của chị Nhi, vị bác sĩ liền trấn an: “Không sao đâu, thuốc đã được chia ra uống từng ngày rồi, rất an toàn, cần gì ghi toa cho mất thời gian. Ở đây là vậy đó em”, rồi kêu người tiếp theo vào khám. Chị Nhi đành cầm túi thuốc không nhãn mác ra về, nhưng không dám cho con uống mà phải gọi điện nhờ bác sĩ quen ở Quy Nhơn tư vấn, cho thuốc uống...
Mỗi nơi chẩn một bệnh
|
Thời gian sau, chị Nhi được đồng nghiệp mách “Ở đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận có ông bác sĩ hay lắm. Ổng đụng tay vào đứa nào thì đứa đó hết bệnh ngay”. Giữa tháng 9.2012, vợ chồng chị Nhi chở con đến phòng khám này. Thấy mấy dãy ghế trong căn phòng khoảng 20 m2 không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải bồng con chen chúc đứng chật cả lối đi nhỏ chờ đến lượt khám, vợ chồng chị Nhi lo sẽ phải chờ đợi lâu. Nhưng chỉ hơn 30 phút, bác sĩ đã giải quyết gần hết lượng bệnh nhân bởi cách khám chóng vánh như nữ bác sĩ ở Q.10. Lần này, chị Nhi bồng con ra về với toa thuốc uống 4 ngày (có hẹn tái khám) cho chứng bệnh viêm mũi họng AMI - ho đàm.
Bệnh tình của con trai chị Nhi có phần thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc của vị bác sĩ “đụng tay vào đứa nào thì đứa đó hết bệnh ngay”, nhưng không dứt hẳn nên mỗi lần con trai đau ốm là chị lại đưa đến đây khám. Càng đến nhiều lần, chị thấy thời gian khám lại càng chớp nhoáng. Có hôm, chị bồng con cho bác sĩ khám, chồng chị đứng canh đồng hồ, thấy từ lúc bác sĩ “đụng tay” đến lúc “ra bên ngoài lấy thuốc” chỉ vỏn vẹn… 30 giây. “Tôi quan sát thấy nhiều bệnh nhi khác cũng “được” khám nhanh như thế, kiểu như… cưỡi phản lực xem bệnh vậy”, chị Nhi nói và cho biết từ đó không đưa con đến khám ở đây nữa.
Khoảng cuối tháng 12.2012, con chị Nhi lại sụt sùi. Đưa đến một phòng khám trên đường Trần Não (Q.2), bác sĩ bảo con chị há miệng kiểm tra, đặt ống nghe trước ngực và sau lưng chừng 5 giây rồi kê toa 2 ngày thuốc trị “viêm phế quản” và hẹn tái khám. Uống hết toa thuốc chẳng thấy thuyên giảm gì, theo lời giới thiệu của một người quen, chị đưa con sang một phòng khám chuyên khoa nhi ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7). Tại đây, sau màn khám cũng rất siêu tốc, bác sĩ chẩn đoán bị “viêm mũi họng” với toa thuốc gần 400.000 đồng, trong đó mục ghi tiền công khám 100.000 đồng. Uống hết 2 toa thuốc khác nhau, con chị Nhi bị lở vòm miệng đỏ tấy, không nói và cũng không ăn được. Sau khi đến Phòng khám nhi Nancy nằm trên đường Trần Hưng Đạo, được một bác sĩ là chị ruột của đồng nghiệp trong cơ quan chồng chị Nhi thăm khám, hướng dẫn cách chăm sóc kỹ lưỡng, đến ngày 19.1.2013 con trai chị Nhi mới bình thường trở lại.
“Chỉ hơn một năm ở TP.HCM, tôi đã đưa con đến 5 phòng khám của 5 bác sĩ ở 5 quận khác nhau mới tìm được một địa chỉ khám có thể tin cậy được, nhưng đó là chỗ có thân quen và cũng phải nhờ trước”, chị Nhi nói.
Đình Phú
>> Khám bệnh siêu tốc
>> Khám bệnh và tặng quà người nghèo
>> Quy định “trần” thời gian chờ đợi khám bệnh
>> Rút ngắn quy trình khám bệnh bằng cách nào?
>> Khám bệnh cho dân nghèo
Bình luận (0)