Rút ngắn quy trình khám bệnh bằng cách nào?

15/01/2013 15:41 GMT+7

(TNO) Hiện nay, bệnh nhân luôn phải mệt mỏi chực chờ, thậm chí “nằm dài” cả ngày ở bệnh viện công chuyên khoa, tuyến cuối để chờ khám. Trong khi toàn bộ quy trình khám đó có thể được rút xuống chỉ còn 2-4 giờ.

Hôm nay (15.1), trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) đã đưa ra quy trình chuẩn cải tiến cho một lượt khám của một bệnh nhân tại bệnh viện.

Đây là bệnh viện đầu tiên của cả nước tiến hành nghiên cứu về quy trình khám chữa bệnh hiện tại ở bệnh viện cũng như đưa ra áp dụng quy trình khám chữa bệnh cải tiến.

 
Bệnh nhân nộp sổ theo từng nhu cầu khám tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM

Theo đó, các công đoạn hiện nay tại các bệnh viện đang "hành hạ" bệnh nhân phải mệt mỏi khi đi khám có thể được rút ngắn thời gian một cách đáng kể. Sau khi khảo sát tại các bệnh viện, đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thốt lên: "Tôi thấy chỗ ngồi thì chen chúc; bảng chữ, chỉ dẫn thì loằng ngoằng, tùm lum. Đến tôi còn không hiểu và phải hỏi lại!".

 
Tôi thấy chỗ ngồi thì chen chúc; bảng chữ, chỉ dẫn thì loằng ngoằng, tùm lum. Đến tôi còn không hiểu và phải hỏi lại
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Thời gian một bệnh nhân phải mất cho một lượt khám tại bệnh viện có thể "kéo" xuống chỉ còn 2-3,8 giờ (kể cả xét nghiệm, bao gồm từ khi lấy số thứ tự cho đến khi thanh toán viện phí, lãnh thuốc). Đối với khám bệnh đơn thuần, bệnh nhân chỉ cần mất hơn 1 giờ 30 phút tại bệnh viện.

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết, tại bệnh viện, người bệnh đang phải chờ khoảng 50-75 phút chỉ riêng cho việc... lấy số thứ tự khi khám bệnh. Trong khi đó, mục tiêu cải tiến ở công đoạn này có thể rút xuống chỉ còn 5-15 phút. Xét nghiệm mất từ 76-95 phút, có thể làm nhanh hơn vào khoảng 20-60 phút. Thời gian di chuyển và chờ đợi trước các phòng khám hiện nay kéo dài khoảng 55 phút, có thể kéo xuống còn 30-45 phút.

Bên cạnh đó, thời gian dành cho bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sẽ được nâng lên từ 9-13 phút thành 10-15 phút.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) thị sát quy trình khám tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM)

Hiện nay, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương và một số bệnh viện khác đang áp dụng cho bệnh nhân lấy số thứ tự trước qua tổng đài 1080 hay số điện thoại của bệnh viện. Bên cạnh đó, theo ông Chiến, việc số hóa dữ liệu thông tin của bệnh nhân sẽ giúp đơn giản thủ tục, quy trình tại bệnh viện. Bệnh nhân đỡ “chạy lòng vòng”, mệt mỏi.

Qua đó, bệnh viện đề xuất áp dụng quy trình khi đăng ký khám bệnh, bệnh nhân sẽ có một mã để dùng cho xét nghiệm, đơn thuốc và bệnh viện có thể quản lý bệnh án điện tử cho bệnh nhân; bác sĩ cho toa thuốc trên máy vi tính và nối mạng với khoa dược để lấy thuốc cho bệnh nhân theo toa, sau khi kết thúc quy trình khám, bệnh nhân chỉ việc đến quầy nhận thuốc mà không phải chen mua, chờ đợi; đơn giản hóa thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)...

 
Bảng chỉ dẫn đủ hướng tại bệnh viện

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế sẽ xây dựng quy trình khám chuẩn cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ tiến tới có đánh giá chất lượng bệnh viện bởi một tổ chức độc lập. Bệnh viện nào đạt chất lượng thì BHYT sẽ thanh toán lại cho bệnh viện 100% viện phí được bảo hiểm của bệnh nhân, bệnh viện nào chưa đạt chất lượng thì BHYT chỉ thanh toán 80%.

Đặc biệt là khi áp dụng BHYT bắt buộc toàn dân thì BHYT trở thành khách hàng của bệnh viện. "Bệnh viện nào kém thì BHYT không ký hợp đồng nữa", Bộ trưởng nói.

Tin, ảnh: Nguyên Mi

>> Quá tải, gầm giường thành... giường bệnh
>>
Bệnh viện "ngộp thở" vì quá tải
>> Bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới trống trải
>> Tìm biện pháp giảm quá tải cho bệnh viện
>> Sẽ xây dựng đề án giảm tải bệnh viện lớn
>> Quá tải bệnh viện, nặng gánh giá thuốc
>> Bệnh viện quá tải do dịch tay chân miệng
>> Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết
>> Vì sao các bệnh viện quá tải triền miên?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.