Cuộc khảo sát bầu trời mới, mà theo Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh Vượng Chung (CSIRO - Úc) mô tả là “giúp thiết lập bản đồ Google của vũ trụ”, đóng vai trò bước ngoặt cho quá trình phát triển hệ thống kính viễn vọng vô tuyến ASKAP. Đây là mạng lưới 36 chảo ăng ten được trải rộng ở khu vực hẻo lánh của bang Tây Úc.
Trong khi các nhà thiên văn học đã sử dụng ASKAP quét bầu trời từ năm 2012 với hy vọng có thể nắm bắt các tín hiệu vô tuyến từ vũ trụ xa xăm, tất cả các ăng ten của hệ thống chưa bao giờ được huy động cho một cuộc khảo sát bầu trời nào, cho đến mới đây.
Với việc khai thác toàn bộ tiềm năng của kính viễn vọng Úc, các chuyên gia đã thành công khi lập bản đồ của 3 triệu thiên hà ở nam bán cầu, theo báo cáo đăng trên chuyên san Publications of the Astronomical Society of Australia.
|
Trong số này, có đến 1 triệu thiên hà xa xôi cho đến nay vẫn chưa từng được ghi nhận, và đó chỉ là sự khởi đầu. Với thành công mới, các nhà khoa học CSIRO đang lên kế hoạch đầy tham vọng cho ASKAP trong những năm sắp tới.
“Lần đầu tiên, ASKAP đã thể hiện 100% năng lực của nó, cho phép xây dựng bản đồ vũ trụ với mức độ chi tiết chưa từng có và với tốc độ kỷ lục”, theo trưởng nhóm David McConnell, một nhà thiên văn học của CSIRO. Ông dự kiến sẽ tiếp tục tìm ra hàng chục triệu thiên hà mới trong những cuộc khảo sát tương lai.
Nhiều cuộc khảo sát bầu trời toàn phần có thể mất nhiều tháng, hoặc thậm chí vài năm, mới hoàn tất. Nỗ lực mới của CSIRO chỉ mất khoảng 300 giờ để ghi nhận 903 hình ảnh, với mỗi bức có độ phân giải lên đến 70 tỉ pixel.
Các chuyên gia Úc phải nâng gấp đôi công suất sử dụng mạng lưới siêu máy tính để kết nối những hình ảnh trên thành một bản đồ duy nhất thể hiện 83% vũ trụ quan sát được.
Bình luận (0)