Thiết bị hứa hẹn giúp Trái đất tránh đòn 'không kích' của các tiểu hành tinh

02/12/2020 22:25 GMT+7

Tại Đại học Kỹ thuật Riga (Latvia), một đội ngũ các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu công nghệ mới với hy vọng một ngày không xa có thể bảo vệ Trái đất trước nguy cơ bị các tiểu hành tinh tấn công.

Những bộ đếm giờ với độ chính xác cao của công ty khởi nghiệp Eventech (Latvia) hiện đang được sử dụng để theo dõi các vệ tinh. Tuy nhiên, các kỹ sư của hãng đang tập trung nghiên cứu phiên bản ứng dụng cho những sứ mệnh du hành dài ngày trong vũ trụ.
Trong năm nay, Eventech đã thắng thầu hợp đồng của Cơ quan không gian châu Âu (ESA), theo đó chế tạo các bộ đếm giờ dùng để nghiên cứu xác suất đổi hướng một tiểu hành tinh trước khi nó có thể áp sát Trái đất ở khoảng cách nguy hiểm.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch triển khai giai đoạn đầu của sứ mệnh AIDA, với mục tiêu phóng tàu thăm dò DART bằng tên lửa Falcon 9 vào ngày 22.7.2021.
Tàu DART, trọng lượng 500 kg mang theo camera, sẽ tiến đến một tiểu hành tinh tên Didymos. Khi đến nơi, con tàu sẽ đâm vào bề mặt tiểu hành tinh, cố gắng đẩy bật nó khỏi hành trình hiện tại mà nếu giữ nguyên thì Didymos sẽ đến gần Trái đất vào năm 2123.
Các bộ đếm giờ do Eventech chế tạo để chuẩn bị cho sứ mệnh HERA tiếp nối, dự kiến sẽ được phóng sau đó 5 năm, nhằm xác định liệu sứ mệnh đầu tiên có thành công hay không.
“Công nghệ của chúng tôi sẽ theo sau tàu thăm dò thứ hai của ESA là HERA, nhằm tiến hành các đo đạc để xác định liệu cú đâm đầu tiên của DART vào Didymos có đẩy bật nó khỏi hành trình hiện tại hay không”, Hãng tin AFP hôm 2.12 dẫn lời kỹ sư Imants Pulkstenis của Eventech.
Các bộ đếm giờ của Eventech có nguồn gốc từ thời Liên Xô, vào thời điểm vệ tinh nhân tạo đầu tiên của con người là Sputnik được phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.
Chúng tính toán thời gian cần thiết cho một xung động của ánh sáng di chuyển đến một vật thể trên quỹ đạo và quay lại.
Những thiết bị của Eventech có thể ghi nhận những kết quả đo đạc trong vòng một pico giây (tức một phần nghìn tỉ của giây), cho phép các nhà thiên văn học chuyển đổi thước đo thời gian thành thước đo khoảng cách với độ chính xác lên đến hai milimét.
Mỗi năm chỉ có khoảng 10 bộ đếm giờ được chế tạo và chúng được sử dụng trong các đài thiên văn trên khắp thế giới. Và Eventech đang đặt mục tiêu xa hơn.
“Không hề có tín hiệu GPS trên các hành tinh khác, nên bạn buộc phải mang theo thiết bị đo riêng khi di chuyển trong không gian”, kỹ sư Pulkstenis cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.