Khám phá Ai Cập và những vùng đất còn nhiều xáo trộn: Bạn cần chuẩn bị gì?

Sa Ru
Sa Ru
31/12/2018 12:13 GMT+7

Trung Đông, Bắc Phi... là những cái tên khiến nhiều người e ngại, vì những vụ xả súng hay những quả bom nổ chậm. Không phải vì thế mà chọn… ở nhà. Nhưng hãy đi có trách nhiệm, để trở về với một trái tim rộng mở.

Nếu bạn e dè, không dám bước ra thế giới, bạn sẽ mãi sống trong vỏ bọc an toàn của chính mình, mà không biết được rằng, ở đâu đó ngoài kia là những vùng đất xinh đẹp, kỳ vĩ đang run rẩy trước đạn bom, những đứa bé đen nhẻm, lem luốc chỉ mong đổi lấy một ngày hòa bình, chứ đừng nói đến sự tiêu khiển thường nhật. Hay những nỗ lực không mệt mỏi của cư dân bản địa nhằm giữ lấy những giá trị lịch sử to lớn của nhân loại, cốt để thu hút khách du lịch đổ về, cũng vì những nền văn minh cổ đại đang dần mất đi, và cũng vì miếng cơm manh áo mà họ đang vật lộn hằng ngày trên chính đất nước của mình.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, bạn lên đường với một “tâm hồn trong trắng” thực sự. Tìm hiểu trước về phong tục, tập quán, tìm hiểu trước về những nguy cơ, khó khăn, tìm hiểu trước về từng đường đi, nước bước… chẳng có gì là thừa thải khi bạn muốn ghé thăm một đất nước xa lạ, đặc biệt là những nơi còn nhiều bất ổn như các quốc gia Trung Đông hoặc Ai Cập.
Vậy nên, khi quyết định đến đây, bạn cần phải chuẩn bị cho mình những vấn đề căn bản cần thiết như:
Hành trình: Nếu bạn chưa đủ bản lĩnh bước ra ngoài thế giới theo kiểu đi bất cứ đâu bỗng dưng có hứng, ngủ nhờ bất cứ nơi nào bỗng dưng lỡ bước hoặc lạc đường, thì một lịch trình cụ thể là điều tất yếu bạn phải có. Kiểm soát thời gian, kiểm soát chi phí, biết mình muốn gì, làm gì, bạn sẽ hạn chế được những rủi ro không đáng có khi chuẩn bị cho mình một lịch trình nhất định.
“Hậu Duệ Pharaon” là hành trình du ký của tác giả qua ba tuần ở các nước Trung Đông, và phần lớn thời gian ở Ai Cập vào năm 2018 NVCC
Tìm hiểu về văn hóa: Thử tưởng tượng, bạn hút thuốc ở nơi công cộng Singapore, hay nhảy múa ở Dubai, hay uống rượu bia ở Ai Cập, hay trêu chọc phụ nữ trùm Hijab hoặc Niqab ở các nước Hồi giáo… bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Luôn luôn phải tìm hiểu trước về văn hóa bản địa ở nơi bạn sắp đi, phải biết cư dân họ không thích gì, nghiêm cấm gì, tôn trọng và tuân thủ cũng là cách bạn không tạo ấn tượng xấu khi đi du lịch.
Tìm hiểu về các nguy cơ, rủi ro: Đặc biệt với những quốc gia trong vùng chiến sự, bạn phải biết được chỗ nào an toàn, chỗ nào không nên đến, lưu lại địa chỉ và số điện thoại Đại Sứ quán Việt Nam ở quốc gia sở tại. Tốt hơn hết là bạn đặt tour địa phương ở những nơi uy tín, vì ở những nước này, cảnh sát an ninh sẽ có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn cho du khách, nên nếu bạn lang thang một mình, bạn có thể sẽ bị giữ lại để kiểm tra hộ chiếu và vật dụng cá nhân rất nhiều lần. Đi theo tour, họ sẽ đảm bảo an toàn hơn cho bạn, chở bạn theo các tuyến đường được bố trí cảnh sát, giúp bạn qua các chốt chặn an ninh nhanh hơn để tránh mất thời gian, và luôn có một đội ngũ đứng phía sau lo lắng cho bạn nếu chẳng may bạn có sự cố, hơn là bạn đi một mình chẳng ai hay biết.
Mua bảo hiểm du lịch: Không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, đừng tiếc một số tiền nhỏ trong một hành trình lớn. Một người khỏe mạnh thường xuyên tập thể dục, leo núi… hoàn toàn có khả năng mắc chứng sốc độ cao, hoặc say nắng ở đất nước khác, và bạn vẫn có thể nhập viện với những vấn đề tưởng rằng nhỏ như trên. Còn với những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, khủng bố… bạn mới thấy bảo hiểm có lợi và hỗ trợ bạn như thế nào.
Giấy tờ cá nhân: Luôn mang theo bản photo hộ chiếu, để trong các túi xách, ba lô khác nhau; một mảnh giấy nhỏ ghi thông tin bản thân, thông tin người thân ở Việt Nam mang theo trên người. Chia nhỏ số tiền mang theo ở các nơi khác nhau như đế giày, trong vớ, vỏ điện thoại, hộp đựng kem đánh răng, hoặc bất cứ nơi nào bạn nghĩ ra được.
Cập nhật thông tin liên tục: Ít nhất phải có một người thân biết được toàn bộ lịch trình của bạn. Bạn nên cập nhật thường xuyên với họ tình trạng, nơi ở hiện tại của bạn, hoặc bạn đi với ai nếu có thêm bạn đồng hành trên đường. Tế nhị chụp lại ảnh người đó theo hướng thân thiện, như kiểu chụp làm kỷ niệm, đồng thời cố tình cho người đó biết rằng bạn vừa đăng tải hình ảnh bạn và người đó trên Facebook cá nhân, hoặc gởi cho người thân của bạn. Hãy làm điều đó nếu bạn cảm thấy không an toàn.
Mỗi chuyến đi là trải nghiệm mới, khám phá vùng đất mới, kết giao nhiều bạn mới. Đi để trải lòng mình, để hiểu thế giới rộng lớn thế nào, để cảm thông hơn, và bao dung hơn.
Saru (tên thật Nguyễn Lan Uyên), travel blogger, là tác giả quyển sách “Hậu Duệ Pharaon”, xuất bản tháng 10 năm 2018, do Nhà xuất bản Trẻ cấp phép phát hành.
Quyển sách là hành trình du ký của tác giả qua ba tuần ở các nước Trung Đông, và phần lớn thời gian ở Ai Cập vào tháng 4 và 5 năm 2018.
Quyển sách mượn chuyến đi du lịch để viết lại những trăn trở của tác giả về cuộc sống của người dân Ai Cập đang từng ngày phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp gia tăng, cùng với những lo toan khi sông Nile dần cạn kiệt nước, những vụ trộm mộ làm thất thoát lớn bảo vật quốc gia, bên cạnh những vụ xả súng, những quả bom của đội quân liều chết đang đe dọa từng ngày. Và những con người được mệnh danh là hậu duệ Pharaon, rồi họ sẽ đi đâu về đâu khi khách du lịch liên tục hủy tour vì sợ hãi, các nhà đầu tư ngoảnh mặt làm ngơ… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.