Khám phá Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày mở cửa chính thức

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/08/2023 14:38 GMT+7

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, TP.HCM sẽ chính thức mở cửa thường xuyên cho khách tham quan từ ngày 27.8.

Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, một "địa chỉ đỏ" giới thiệu các hiện vật và thông tin chính xác về sự ra đời, chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, sẽ diễn ra vào ngày 27.8 tại số 145 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM.

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 2.

Máy đánh chữ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 3.

Máy chiếu phim nhựa, hiệu SANKYO DUALUX – 8

T.L BẢO TÀNG

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, đại diện Ban tổ chức cho biết công tác trưng bày các hiện vật đang được hoàn thiện để chuẩn bị cho ngày ra mắt. "Nhằm bổ trợ và tạo thêm hiệu ứng cho phần lễ công bố thành lập bảo tàng, sẽ có thêm phần hội với hình thức diễu hành theo lộ trình, nhằm giới thiệu tour Biệt động Sài Gòn đến với du khách và lan tỏa ký ức lịch sử độc đáo này. Ban tổ chức sẽ đưa du khách tìm lại những dấu ấn thời gian qua các chương trình tham quan đậm nét Sài Gòn xưa hòa quyện với TP.HCM sống động hôm nay", ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thông tin thêm.

Tái hiện lịch sử hào hùng

Đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, du khách sẽ được chiêm ngưỡng chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968, làm Trạm giao liên Biệt động Sài Gòn tại vùng xôi đậu ấp Trung Viết, xã Thái Mỹ (H.Củ Chi). Chiếc xe thực hiện nhiệm vụ đưa đón cán bộ nội thành ra vào chiến khu Củ Chi, chuyển thư từ, tài liệu, tiền vàng, thuốc tây… giao cho Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bà Ngọc Huệ đã tặng lại kỷ vật quý trên cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. 

Tiếp đó là chiếc xe gắn máy hiệu Lambretta của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai trang bị cho gia đình ông bà Trần Văn Hãng (Ba Hãng) - thành viên Ban công tác 1, tiểu đoàn Quyết tử 950 đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó là Biệt động Sài Gòn sử dụng đi lại và phục vụ hoạt động cách mạng trước năm 1975. 

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 4.

Mặt trước Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 5.

Trước đây, nhiều du khách cũng đến tham quan tìm hiểu

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 6.

Nhiều đoàn khách nước ngoài tham gia tour Biệt động Sài Gòn đã đến tham quan các hiện vật tại đây

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Mọi người cũng bất ngờ gặp lại với chiếc máy in truyền đơn hiệu GESTETNE mà ông Trần Văn Lai giao cho ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự - đơn vị bảo đảm chiến đấu biệt động Sài Gòn A20-A30, dùng để in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng những năm 1960-1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó là máy điện thoại hiệu WESTER ELECTIC của Quân khu Sài Gòn - Gia Định đặt tại nhà ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện) dùng để sử dụng liên lạc từ những năm 1970. Máy đã được nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại gia đình sử dụng liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, máy đánh chữ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng được bảo quản gần như nguyên vẹn.

Nhiều loại thiết bị khác cũng có ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn: máy chiếu phim nhựa hiệu SANKYO DUALUX – 8 (trên máy có dòng chữ "Do dy No. 800420 Sankyo Sei ki MFG.CO.LTĐ – Zapan", mặt trước máy màu xám, mặt sau màu đen, có nắp đậy); máy chiếu hiệu Canon P.8 – Cinema star (Nhật Bản sản xuất, có hình hộp chữ nhật, màu trắng, mặt sau màu đen), thiết bị được sử dụng soi chiếu ảnh, phân tích tình hình, lên kế hoạch tác chiến, hoạt động, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1962 – 1968)... cùng rất nhiều hiện vật quý là vật dụng sinh hoạt của lực lượng biệt động Sài Gòn: đàn Mandolin, bình thủy... 

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 7.

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 8.

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 9.

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 10.

Khám phá Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước ngày ra mắt công chúng - Ảnh 11.

Những hiện vật quý gắn liền với các chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn

QUỶNH TRÂN

Độc đáo là chiếc bi đông (chất liệu nhôm) của lính Mỹ mà ông Trần Văn Lai được một người đồng đội tặng khi đi công tác ở căn cứ Củ Chi. Ông tặng lại vợ - bà Phạm Thị Chinh để sử dụng. Bà Chinh dùng chiếc bi đông này đựng nước dự trữ cho các đồng chí cán bộ hoạt động bí mật tại cơ sở (số 6 đường Tự Đức) do vợ chồng bà xây dựng… Sau khi bà Chinh hy sinh, ông Lai tiếp tục cùng bà Đặng Thị Thiệp (người vợ thứ hai của ông) sử dụng để nuôi giấu cán bộ trong căn hầm bí mật được đào dưới nền ngôi nhà của gia đình (số 592B Võ Di Nguy - nay là số 752A Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1965-1975).  

"Thông qua những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện lịch sử về lực lượng biệt động Sài Gòn, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho thế hệ hôm nay và mai sau một 'địa chỉ đỏ' giữa lòng TP.HCM, giúp các bạn hiểu và cảm thấy trân trọng hơn những hy sinh của các thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc", ông Trần Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.