Chỉ thua Big Bang
Các vụ nổ tia gamma (GRBs) - diễn ra chỉ trong vòng vài phút - có thể phóng thích năng lượng tương đương với năng lượng mặt trời phát ra trong 10 tỉ năm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Anh, nguyên nhân xảy ra các vụ nổ kinh thiên động địa trên vẫn còn nằm trong vòng bí mật và là đề tài muôn thuở cho các nhà thiên văn học. Một trong những khó khăn khi quan sát các tia sáng phát ra từ GRBs là do chúng chỉ tồn tại từ vài phần nghìn giây đến vài phần trăm giây. Thế nhưng, mọi cặp mắt đang đổ dồn về Florida (Mỹ), nơi tàu không gian mang tên Swift (Tốc độ nhanh) trị giá 250 triệu USD dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo trái đất sớm nhất là vào ngày 11.11 sắp tới. Đây là loại tàu thăm dò không gian có khả năng di chuyển cực nhanh để quan sát và nắm bắt hiện tượng cực kỳ bí mật và xảy ra trong thời gian ngắn ngủi này.
Tại sao những vụ nổ tia gamma trong vũ trụ lại được giới khoa học quan tâm đến như thế ? Theo thuyết Big Bang, vũ trụ được hình thành từ một vụ nổ khủng khiếp. Các nhà khoa học cho rằng các vụ nổ tia gamma là những vụ nổ lớn nhất trong vũ trụ mà mức độ của nó chỉ xếp sau vụ nổ Big Bang mà thôi.
Lỗ đen
Các vụ nổ tia gamma đã được quan sát lần đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Khi đó, các nhà khoa học phương Tây cho rằng chúng có thể là sản phẩm của những cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của Liên Xô trên mặt trăng hay các hành tinh khác. Ngày nay, theo các nhà khoa học, có hai giả thuyết chính gây ra các vụ nổ tia gamma. Giả thuyết thứ nhất chính là một ngôi sao tự sụp đổ và cho ra đời lỗ đen vũ trụ. Khi các tinh cầu sống hết tuổi thọ của mình, các phản ứng hạt nhân trong tâm của chúng sẽ tự động ngừng lại. Điều này khiến áp lực hạt nhân bên trong tâm ngôi sao - vốn giúp giữ chúng ở trạng thái căng phồng - biến mất, dẫn đến trung tâm của tinh cầu đổ sụp xuống từ bên trong và tạo thành lỗ đen. Những gì là vật chất đều bị hút vào bên trong lỗ đen và bắt đầu quay tròn với vận tốc cực cao. Điều này làm phát sinh một lực cực mạnh, cuốn vật chất di chuyển gần đến vận tốc ánh sáng. Lực trên truyền một bức xạ đến trái đất, được phát hiện và xác định là các vụ nổ tia gamma. Giả thuyết thứ hai là vụ nổ trên có thể hình thành khi 2 tinh cầu neutron va vào nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một giả thuyết mở mà các chuyên gia nghĩ đến - có thể một hiện tượng mà cho đến nay vẫn chưa được tìm ra chính là nguyên nhân gây ra các vụ nổ trên.
Thông qua việc nghiên cứu các vụ nổ này, giới khoa học hy vọng sẽ lần tìm ngược thời gian về thời điểm những ngôi sao đầu tiên được phát hiện đã hình thành từ khi nào. Do ánh sáng từ các bức xạ phát ra quá rõ, chúng có thể được nhìn thấy từ rất xa. Và dĩ nhiên khi nhìn vào vũ trụ xa xôi cũng là nhìn về quá khứ. Giáo sư Keith Mason thuộc Phòng Thí nghiệm khoa học không gian Mullard (MSSL) tại London (Anh) cho biết, hiện tại từ trái đất có thể nhìn thấy các vụ nổ tia gamma phát sinh từ các ngôi sao bị sụp đổ ngay thời điểm mà vũ trụ chỉ bằng 5% số tuổi hiện tại của nó. Theo giáo sư, ngay một vụ nổ tia gamma xuất phát từ trung tâm của dải Ngân Hà - nơi tồn tại Hệ Mặt trời của chúng ta, cách đây 30 ngàn năm ánh sáng - vẫn là đối thủ đáng gờm của mặt trời về khả năng phát sáng.
Sứ mạng của Swift
Hiện thời, các nhà thiên văn học chứng kiến 1 hay 2 vụ nổ tia gamma mỗi tháng. Tuy nhiên, sau khi tàu Swift được phóng lên không gian, giới chuyên môn hy vọng sẽ quan sát được khoảng 100 vụ nổ tia gamma mỗi năm. Swift sẽ bay quanh quỹ đạo trái đất để phục sẵn, chờ đợi các vụ nổ tia gamma. Một thiết bị mang tên Kính thiên văn báo hiệu vụ nổ (BAT) gắn trên tàu thăm dò đã được thiết kế đặc biệt để dò tìm các tia phát xuất từ các vụ nổ. Trong vòng 20 giây sau khi phát hiện ra, Swift sẽ chuyển âm và vị trí của vụ nổ về mặt đất. Sau đó, tàu xoay xung quanh để hướng 2 kính viễn vọng về hướng phát xuất vụ nổ nhằm tăng khả năng đo đạc lên mức chính xác nhất. Swift sẽ tham gia cùng với 4 vệ tinh khác liên thông nhau trong một hệ thống tự động khổng lồ, tiếp âm các báo động về tia gamma ngay lập tức cho các nhà khoa học trên khắp thế giới. Hệ thống này sẽ phân phát những báo động của Swift thông qua thư điện tử cho các khoa học gia và cho những kính thiên văn robot.
Thụy Miên
Bình luận (0)