TNO

Khám phá Chiang Mai như người bản địa

13/09/2014 14:50 GMT+7

(iHay) Chiang Mai được ví như là thành phố hoa hồng của phương bắc Thái Lan.

(iHay) Chiang Mai được ví như là thành phố hoa hồng của phương bắc Thái Lan, nằm ở độ cao 316 m so với mực nước biển và được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

>> Đi lạc trong Hoàng cung Thái Lan

Đi theo người Chiang Mai 8
Tập quán nẹp cổ của những cô gái Kayan (thuộc tộc người Miến Điện) tại Chiang Mai

Giả sử một du khách hỏi người dân Chiang Mai những điều khiến họ tự hào về thành phố, nhiều khả năng họ sẽ được nghe một câu cửa miệng thế này: “Nếu chưa bước đến Doi Suthep, chưa bước đến làng dù Bo Sang và chưa từng nếm qua món Kao Soi, có nghĩa là bạn chưa có nhiều trải nghiệm về thành phố hoa hồng Chiang Mai”.

Lời khuyên của tôi là hãy dùng nó làm một chỉ dẫn du lịch cho cuộc dạo chơi nhỏ trên hành trình ở đất Thái cho người chưa từng biết đến Chiang Mai. Bởi nếu thực sự đi theo lộ trình trong câu nói ấy, bạn sẽ cảm nhận một Chiang Mai rất riêng, rất khó quên…

Trong tiếng Thái, “Chiang Mai” có nghĩa là “thành phố mới” được thành lập vào năm 1296 bởi vương triều Lanna. Và dòng sông Ping đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên một văn hóa rất riêng biệt cho nơi đây.  Sự thân thiện và mộc mạc của người bản địa vốn dĩ là đặc trưng của một thành phố, không khí trong lành, lễ hội hoa đủ sắc màu… khiến Chiang Mai trở thành một trong những điểm đến thú vị khi nghĩ về một chuyến du hành trên đất Thái.

Đi theo người Chiang Mai 5
Những thiếu nữ Môn xúng xính trong bộ váy truyền thống

Du khách đừng nên lạ lẫm khi đến Chiang Mai mà lại vừa bắt gặp kiến trúc mang đậm dấu ấn của vương triều Lanna lẫn kiến trúc người Môn (Miến Điện) hoặc của người Sri Lanka (Tích Lan). Kết quả ấy là sự pha trộn các nền văn hóa khác nhau và được hình thành trong giai đoạn từ 1296 đến 1556, khi mà Chiang Mai đóng vai trò là trung tâm kinh tế của phía Bắc Thái Lan, việc giao thương mở rộng với các quốc gia láng giếng như Miến Điện, Ấn Độ và Trung Quốc.

309 bậc thang bộ dẫn lên chánh điện trung tâm ngôi chùa Doi Suthep nằm ở độ cao 1.676 m không là vấn đề của người Chiang Mai bởi ngôi chùa linh thiêng ấy được xây dựng từ năm 1383 mang những truyền thuyết về Thần voi trắng cùng chiếc xương vai của Đức Phật khi Ngài đến đây giảng kinh. Từng đám sương mù bay lãng đãng ngang qua khiến Chedi (bảo tháp trung tâm) thoắt ẩn thoắt hiện tạo nên sự huyền bí. Nắng đã lên cao, ánh sắc vàng của bảo tháp thêm phần lung linh khi phản chiếu với ánh mặt trời.

Đi theo người Chiang Mai 6

Đi theo người Chiang Mai 7
Bên trong Wat Doi Suthep. Chùa được xem là tâm linh bậc nhất tại thành phố Chiang Mai

Như bao đời nay, văn hóa tâm linh Phật Giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người Chiang Mai. Bước đến Doi Suthep, những lo toan trong cuộc sống, những tranh đua, ghen ghét dường như đã biến mất, chỉ còn lại những lời kinh hay và tâm hồn hướng về Phật Giáo trong những tiếng chuông trầm ấm ngân nga.

Rời chân khỏi Doi Suthep, theo câu chỉ dẫn cửa miệng kia, du khách hẳn nhiên nên đến Bosang, khu làng nổi tiếng về nghề làm dù thủ công truyền thống của người Chiang Mai.

Những chiếc dù giấy đầy màu sắc cùng với các hoa văn sắc sảo vẽ luôn được các tạp chí du lịch của Thái Lan khai thác một cách triệt để nhằm tôn vinh sự cần cù và khéo léo của người Chiang Mai. Lướt qua một vòng, ngắm nhìn những bàn tay thong dong nhưng không kém phần trao chuốt trong việc tạo nên những chiếc dù tuyệt đẹp, tôi cũng hiểu được sự tự hào của họ.

 Đi theo người Chiang Mai 9
Những cánh dù của làng dù Bo Sang - một nghề truyền thống của người Chiang Mai

Ẩm thực là một món ghi điểm khác của Chiang Mai với du khách. Ẩm thực miền Bắc của Thái đa dạng nhất so với các vùng khác bởi ảnh hưởng của văn hóa người Hoa, người Ấn và có cùng biên giới với Miến Điện và Lào. Sự đa dạng ấy có thể được nhìn thấy qua những bộ dụng cụ để nấu và phục vụ trong các bữa ăn.

Đi theo người Chiang Mai 3

Đi theo người Chiang Mai 4
Những món mứt, những món quà thủ công mỹ nghệ đủ sức lôi cuốn du khách

Đi theo người Chiang Mai 11
Kao Soi - món ăn truyền thống của người Chiang Mai, mì sợi dùng kèm cà ri. Sự hòa quyện giữa sợi mì dai mà mềm cùng vị béo của nước cà ri thơm hương quế khiến du khách chỉ nghe tên đã thấy thèm

Đến Chiang Mai, tôi không quên thử qua món tinh hoa vùng đất phương Bắc là Khao Soi. Trong tiếng Thái, Khao Soi có nghĩa là những sợi mì được làm từ gạo cắt nhỏ. Đây là món ăn có nguồn gốc từ Myanmar nhưng được người Chiang Mai chế biến theo cách thức riêng của mình.

Những sợi mì vừa có độ dẻo lại vừa có độ dai nhất định hòa quyện trong nước cà ri gà béo ngậy nhưng không ngán tạo cảm giác khó quên cho một du khách “hảo vị” như tôi.

Phượt ký của Nguyên Trang

>> Cẩm nang du lịch Nhật Bản
>> Đề phòng sự cố khi đi du lịch
>> Du lịch trên đồng nước nổi Đồng Tháp
>> Tour 'du lịch bom mìn' độc đáo ở Quảng Trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.