Khi ngang qua QL1, từ trên cầu Quán Hàu nhìn về phía đông dòng sông Nhật Lệ, hành khách sẽ thấy một cồn đất lớn, thuộc địa phận TT.Quán Hàu (H.Quảng Ninh). Cồn lưu giữ nhiều câu chuyện gắn liền với lịch sử của TT.Quán Hàu trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Khám phá doi đất nằm giữa dòng Nhật Lệ
Cầu nối đôi bờ Bắc - Nam
Cồn Quán Hàu thường được người dân ở đây gọi là cồn Soi hay cồn Nổi. Nơi đây đã từng là tuyến đường huyết mạch, có cây cầu nối 2 bờ Bắc - Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng là tuyến thông thương của người dân sau khi đất nước thống nhất. Sau nhiều năm tháng bị bom đạn cày xới, cây cối ở cồn vẫn phát triển tươi tốt và có nhiều hộ dân canh tác nông, ngư nghiệp cho đến nay.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Đỗ Thị Hồng (72 tuổi, trú tại tổ dân phố Văn Hùng, TT.Quán Hàu) để tìm hiểu về cồn đất này.
Bà Hồng từng canh tác, sinh sống và chứng kiến sự thay đổi của cồn Soi hơn hàng chục năm qua. Ngày trước, cồn chỉ rộng bằng 2/3 diện tích bây giờ. Quá trình bồi đắp của phù sa đã khiến cồn được mở rộng. Cầu Quán Hàu cũ cũng đã được xây dựng từ lâu, nối từ bờ Bắc đến cồn; nếu muốn qua bờ Nam phải di chuyển tiếp một đoạn cầu phao dài khoảng 200 m.
"Gia đình tôi trồng cây và chăn nuôi ở cồn Soi được khoảng 30 năm. Đến năm 2016, chúng tôi xây một căn nhà nhỏ ở cồn để tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt và cũng để bảo vệ nhiều cây lớn. Diện tích đất ở cồn chia làm 2 phần, một phần là đất nông nghiệp và phần còn lại là đất ngư nghiệp…", bà Hồng chia sẻ.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, năm 1886 quân đội Pháp đã khởi công, xây dựng bến phà Quán Hàu kết nối 2 bờ sông Nhật Lệ.
Hiện nay, ở hướng bắc của cồn vẫn đang tồn tại 1 lô cốt của lính Pháp nhưng không còn nguyên vẹn. Cồn Quán Hàu còn là nơi xây dựng mạng lưới điện cao thế Bắc - Nam, đến nay các trụ điện đã bị gỡ bỏ nhưng chân trụ vẫn còn ở giữa cồn.
Gắn với đời sống sinh hoạt
Ngày xưa, cồn Soi từng là một rừng bần ngập mặn cao lớn, dân làng thường đến đây để mò cua, bắt cá, bẫy chim… Dần về sau, do ảnh hưởng của bom đạn và tác động của con người, rừng bần dần mất đi, chỉ sót lại một vài cây.
Ông Lê Văn Đáng (60 tuổi, trú tổ dân phố Bình Minh, TT.Quán Hàu) là người gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản ở cồn Soi hơn 18 năm. "Ngày nhỏ, trẻ con trong làng thường đến đây để bơi lội, bắt cá, mò cua. Trong ký ức của tôi, lúc trước cồn Soi rất hoang sơ, là một rừng cây ngập mặn có nhiều cây lớn bao phủ. Sau này, một phần do con người đốn hạ, một phần do chăn thả gia súc đã khiến cho rừng bần dần mất đi…", ông nhớ lại.
Khi đào đất làm hồ nuôi cá, ông đào được nhiều gốc cây bần khoảng 1 vòng tay người lớn cách mặt đất khoảng 1 - 1,5 m.
Người dân ở đây thường gắn với nghề mò hàu. Sau khi khai thác hàu từ sông đem về nhà để tách vỏ, người dân thường đổ vỏ hàu xuống sông. Gần đây, do bị cấm vì sợ ảnh hưởng đến dòng sông, vỏ hầu được "tập kết" thành đống, kéo dài khoảng 50 m…
Năm 2020, trận "đại hồng thủy" lịch sử đã càn quét, gây ra nhiều tổn hại về hoa màu, lồng bè, tôm cua của người dân.
Cồn Quán Hàu không chỉ là một "nhân chứng lịch sử", từng hứng chịu nhiều trận bom đạn dội xuống trên tuyến đường nối liền 2 bờ Bắc - Nam. Mà nơi đây còn cất giữ quá khứ, tuổi thơ, là niềm tự hào của người dân ở TT.Quán Hàu trong các giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ…
Bình luận (0)