Khám phá con đường tơ lụa: Welcome to Tashkurgan!

21/11/2022 07:14 GMT+7

Tashkurgan nằm ở đâu trên bản đồ Trung Quốc? Bạn hãy trải bản đồ Trung Quốc ra, rà tay về tận phía biên giới các nước Pakistan, Afghanistan, Kyrgyzstan và Tajikistan, bạn sẽ thấy Tashkurgan nằm ở vị trí rất đắc địa - một điểm rất “chiến lược” trên “nóc nhà thế giới ”.

Tashkurgan ở độ cao 3.090 m so với mực nước biển, là nơi giao thoa của những dãy núi cao nhất nhì thế giới: Pamir, Hindu Kush, Karakoram, Côn Lôn và Himalaya, lưu vực Tarim của Trung Á với Pakistan và Ấn Độ.

Hồ Karakul trên cao tốc Karakoram, đằng sau là dãy núi Muztagh Ata

CHIBOOKS CUNG CẤP

Khoảng 2.000 năm trước, dưới triều đại nhà Hán, Tashkurgan hiện nay thuộc vương quốc Puli, hay còn có tên khác là vương quốc Varshadeh. Nhiều thế kỷ sau, Tashkurgan trở thành thủ đô của vương quốc Sarikol, và sau đó là Qiepantuo thuộc đế chế Ba Tư. Nhà sư Huyền Trang đi qua Tashkurgan vào khoảng năm 649, trên đường từ tỉnh Badakhshan đến Vu Điền. Rất nhiều đế chế đã từng thống trị vùng đất này như Thổ Phồn (Tây Tạng) vào thế kỷ 8, đế chế Mông Cổ vào thế kỷ 13. Cuối cùng, vào thế kỷ 18, Tashkurgan được hợp nhất vào nhà Thanh, kể từ đó nó trở thành một phần của Trung Quốc.

Đường cao tốc Karakoram mới chỉ được xây dựng từ thế kỷ trước, thế nhưng từ xa xưa đã có những con đường băng qua vô vàn ngọn núi phủ tuyết hùng vĩ. Đó chính là một phần của con đường tơ lụa, và Tashkurgan là một điểm dừng chân rất quan trọng của đoàn lữ hành vận chuyển hàng hóa qua lại giữa Trung Quốc với châu Âu trong suốt nhiều thế kỷ. Thời đó, Tashkurgan là con đường đầu tiên xuyên thế giới nối Trung Quốc với các nước khác.

Chúng tôi có nửa ngày dạo quanh Tashkurgan, sau đó theo kế hoạch sẽ ra trung tâm hỏi thuê xe để đi về Kashgar. Do ở Tashkurgan rất khó liên lạc, thông tin về công ty du lịch cho thuê xe gần như không có trên mạng, nên tôi đã không thể hỏi thuê xe trước.

Đường phố, quán xá, nhà cửa tại Tashkurgan y chang những thị trấn khác ở Trung Quốc. Chỉ có con người mang đậm chất dân tộc Tajik, từ khuôn mặt lai trội nét phương Tây đến trang phục, ngôn ngữ. Tôi nhận ra điều này bởi những phụ nữ đội chiếc mũ hình trụ, phủ bên ngoài một chiếc khăn với nhiều màu sắc khác nhau là trang phục đặc trưng của người Tajik. Cư dân sinh sống ở Tashkurgan bao gồm người Tajik, người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Cộng đồng dân cư lớn nhất ở thị trấn này là người Tajik - được cho là bắt nguồn từ các bộ lạc vùng Đông Iran, họ đã từ phía tây dãy núi Pamir theo con đường tơ lụa cổ xưa tới định cư tại thị trấn Tashkurgan.

Vết tích từ thời con đường tơ lụa cổ đại ở Tashkurgan chỉ còn duy nhất một pháo đài bằng đá. Cái tên Tashkurgan trong tiếng Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là “lâu đài đá”, bắt nguồn từ một pháo đài cổ nằm ở trên đồi cao. Pháo đài đã hơn 2.000 năm tuổi, đồng thời là di tích kiến trúc cổ quan trọng và được bảo tồn tốt ở Pamir. Đứng từ trên pháo đài, bạn có thể nhìn thấy bức tranh sơn thủy yên bình của thảo nguyên với dòng sông uốn khúc, đàn cừu, bò, ngựa đang gặm cỏ, xa xa là thánh đường Hồi giáo, làng dân tộc Tajik được xây dựng theo phong cách truyền thống… Bao bọc xung quanh thảo nguyên là những dãy núi phủ tuyết trắng, càng khiến Tashkurgan trở nên hấp dẫn.

Đi một vòng Tashkurgan cũng đã đến đầu giờ chiều, chúng tôi ra bến hỏi xe đi Kashgar và được biết: Mỗi ngày chỉ có một chuyến đi Kashgar khởi hành lúc 8 giờ sáng theo giờ Bắc Kinh - tức là lúc chúng tôi vẫn còn đang say giấc nồng ở khách sạn. Đương nhiên, chúng tôi đã bỏ lỡ chuyến xe này.

Không nản chí, cả nhóm chia nhau ra tìm các công ty du lịch hỏi thuê xe riêng. Thật không ngờ, tuy đã lục tung toàn bộ các công ty du lịch của thị trấn lên nhưng không chỗ nào có xe để thuê. Chúng tôi lại lao ra đường hỏi mọi người, từ lái xe taxi tới chủ quán hàng ăn xem có thể tìm được xe thuê không và đều nhận được những cái lắc đầu. Phương án cuối cùng là tôi quay về khách sạn, nhờ lễ tân thuê xe giúp. Bạn lễ tân cũng liên hệ khắp nơi, nhưng không một ai nhận cả.

Tuyệt vọng, chúng tôi đành ngậm ngùi chờ tới sáng mai quay lại bến xe để bắt chuyến xe buýt duy nhất đó. Như vậy, lịch trình ở Kashgar sẽ bị cắt ngắn. Trang, bạn cùng phòng của tôi, cũng là người biết tiếng Trung trong nhóm, vẫn cố hỏi một vài xe đang đỗ ở gần khách sạn. Không ngờ, có một xe bán tải nhận chở chúng tôi đi Kashgar, nhưng chỉ chứa được bốn người và hành lý, vì vậy tài xế sẽ gọi thêm hai xe nữa và hẹn hai giờ chiều đón chúng tôi ở khách sạn.

Hai giờ chiều, anh lái xe xuất hiện và báo tin sét đánh cho cả bọn rằng: Chỉ lo được hai xe, tức là bảy người đi thôi; bốn người còn lại sẽ phải tự túc tìm xe hoặc sáng mai đi. Tài xế giục chúng tôi xuất phát nhanh vì tuyết sắp rơi ở Kashgar rồi, khả năng đường bị đóng băng là rất cao. Cuối cùng, chúng tôi đành nhắm mắt đưa chân quyết định bảy người, trong đó có tôi sẽ đi Kashgar trước trong tình trạng không đứa nào nói được tiếng Trung và tài xế không nói được tiếng Anh, nhưng cũng đỡ hơn vì chỉ cần lái xe tới khách sạn đã ghi sẵn địa chỉ, không cần giao tiếp nhiều.

Đường cao tốc Karakoram từ Tashkurgan tới Kashgar đẹp, quanh co, băng qua bao nhiêu núi non, hồ nước xanh trong vắt. Đi trọn vẹn 1.290 km của Karakoram, tôi đã rất may mắn khi được chiêm ngưỡng bốn dãy núi nổi tiếng là: Nanga Parbat, Rakaposhi, Passu Cathedral và Muztagh Ata. Đi qua bao nhiêu vực sâu, đèo cao, núi non hiểm trở, tôi mới hiểu vì sao người ta lại nói Karakoram là “kỳ quan thứ 8” của nhân loại. (còn tiếp) t

(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)

Khám phá con đường tơ lụa

Chờ ngày lên đường

Thung lũng Hunza - Mùa thu lãng mạn nhất trong cuộc đời

Vùng đất hoàn toàn khác biệt ở Pakistan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.