Nhà văn Uông Triều sinh năm 1977. Anh thực hành văn chương đa dạng ở đề tài và thể loại: lúc là truyện ngắn, lúc là tiểu thuyết, rồi tản văn; lúc “vẫy vùng” trong thế giới hiện thực lẫn siêu thực, có lúc lại đắm chìm trong không khí thâm trầm của lịch sử.
Đã từng đọc Uông Triều qua hai tiểu thuyết Tưởng tượng và dấu vết, Cô độc và tập truyện ngắn Bò hoang phố cổ, ít nhiều có thiện cảm về một cây viết cá tính và đầy nội lực (ngoài 3 tác phẩm kể trên, nhà văn Uông Triều còn có tập truyện ngắn Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, tiểu thuyết lịch sử Sương mù tháng Giêng, tiểu thuyết Người mê, cùng 2 tập tản văn: Hà Nội - Quán xá phố phường và Hà Nội - Dấu xưa phố cũ), tôi không khỏi dấy lên một nỗi tò mò: Uông Triều đã đọc những gì, đã “nạp” những gì để có thể viết ra những tác phẩm đó? Và nay, với Thế giới của sáng tạo, có thể nói Uông Triều đã trình ra câu trả lời khá bất ngờ, thú vị.
Hơn 200 trang sách Thế giới của sáng tạo với bố cục 2 phần: Nhà văn và nghề văn và Tác phẩm và sự đọc, những bài viết của Uông Triều không nằm ngoài mối quan tâm duy nhất của anh, chính là thế giới văn chương. Và ở đó, đương nhiên sự tò mò của độc giả đã được anh giải đáp, theo một cách gián tiếp. Đọc và biết, những nhà văn yêu thích của Uông Triều, từ những văn hào đến từ nước Pháp: Victor Hugo, Houellebecq, Patrick Modiano hay các tên tuổi khác như: Cao Hành Kiện, Dostoevsky, Lev Tolstoy, Nhất Linh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo… Mới hay, sự đọc của Uông Triều “không phải dạng vừa đâu”; anh không chỉ chăm đọc, đọc nhiều mà còn đọc rất kỹ. Có thể một phần vì “bệnh nghề nghiệp” (hiện Uông Triều đang là biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhưng phần nhiều có lẽ là thái độ cầu tiến và cầu thị của một người viết. Tôi vẫn luôn cho rằng, văn chương là dặm đường dài bất tận, người viết có đi xa được đến đâu phụ thuộc không ít vào sự đọc. Nghĩ như vậy, thì cái tên Uông Triều cũng xứng đáng để kỳ vọng.
Nhưng có lẽ, điều thú vị nhất khi đọc Thế giới của sáng tạo chính là được khám phá những câu chuyện hậu trường của thế giới văn chương, ở trong nước lẫn trên thế giới. Ở đó, độc giả hiểu thêm về mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình, vốn dĩ lâu nay được mặc định là “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”; thậm chí, nhà văn Nguyễn Tuân lúc còn sống đã tuyên bố thẳng thừng: “Khi tôi chết hãy chôn theo tôi một nhà phê bình để còn tiếp tục cãi nhau”. Hay vì sao các nhà văn, nhà thơ tiếng tăm như Khuất Nguyên, Stefan Zweig, Yukio Mishima, Kawabata Yasunari, Bernhard lại quyết định tự sát; thậm chí tự sát nhiều lần như trường hợp của nhà văn Dazai Osamu.
Có một thực tế: văn học Việt Nam rất hiếm những tác phẩm mang tính hài hước, trào phúng; cho đến nay, tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn là tác phẩm hoạt kê, châm biếm thành công nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Vì sao các nhà văn Việt Nam không thích đùa? Trong Thế giới của sáng tạo, nhà văn Uông Triều cho rằng, nền văn học Việt không phải lúc nào cũng “nghiêm trang như ông hộ pháp giữ chùa” nhưng cơ bản thì rất ít tiếng cười. Trên ý niệm đó, anh đã có những luận giải cặn kẽ về hiện tượng này; đồng thời có sự đối sánh, liên tưởng với điện ảnh và sân khấu - những lĩnh vực đã tạo được ấn tượng mạnh về khả năng hài hước để có những tác phẩm ăn khách. Còn rất nhiều những câu chuyện “hậu trường” văn chương như vậy trong cuốn sách này mà bạn đọc có thể lần lượt khám phá, chẳng hạn như: Nhà văn làm nghề gì, Sự nguy hiểm của nghề văn, Nhà văn thì đọc gì, Bao lâu cho một tác phẩm, Vui buồn nghề biên tập…
Nhưng Thế giới của sáng tạo không chỉ có những câu chuyện hậu trường, mà còn có cả những chuyện bếp núc của văn chương. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những gợi ý qua các bài viết: Quy hoạch sự viết, Tâm thức viết về lịch sử, Tuyệt kĩ vô chiêu, Nhân vật đến từ đâu?... Vì lẽ đó, cuốn sách hữu ích cho những độc giả có mối quan tâm đến văn chương, và cho cả những ai đang có ý định theo đuổi nghề viết.
Bình luận (0)