Dù vậy, ngay cả người dân Canada, thì đây là vùng đất rất ít người biết tới. Chính điều ấy đã khơi dậy cảm giác phiêu lưu và thôi thúc chúng tôi quyết tâm thực hiện chuyến đi đến tận phía cực đông dù gặp không ít khó khăn.
Từ thành phố Calgary - tỉnh Alberta một ngày mùa thu, chúng tôi ngồi hơn 5 tiếng đồng hồ trong chiếc Boeing của hãng hàng không WestJet bay đến thành phố Halifax - tỉnh bang Nova Scotia. Thời điểm này trong khi các tỉnh bang vùng Atlantic đang bắt đầu vào thu thì khu vực phía tây Canada khắp các con đường hoặc công viên đều tràn ngập lá vàng rơi lả tả chuẩn bị lập đông.
Nghĩa trang Titanic
Theo sự gợi ý của chị Trần Thị Thu, người Việt gốc Tiền Giang, hiện là chủ một nhà hàng phở tại thành phố Halifax, điểm đầu tiên chúng tôi nên đặt chân tới là ngọn hải đăng ở mũi đất Peggy (Peggy's point lighthouse) cách thành phố hơn 40 km về hướng tây nam bởi nó là một phần của lịch sử tỉnh bang Nova Scotia. Ban đầu, công trình được xây dựng vào năm 1868, sau đó năm 1915 ngành hàng hải dựng một phiên bản mới thay thế có chiều cao 15m, sơn màu trắng đỏ đứng sừng sững trên những tảng đá granit khổng lồ ngó ra vịnh nhỏ đặt tên Peggy's Cove như hình dáng ngày hôm nay.
Một điều rất thú vị khi các địa điểm trong khu vực vịnh biển này đều gắn liền với cái tên Peggy: ngoài hải đăng còn có vịnh nhỏ Peggy, mũi đất Peggy và làng đánh cá Peggy.
Nét đẹp hoang dã của đá, biển đại tây dương, hải đăng... đã được bảo tồn nghiêm ngặt và được du khách chụp hình nhiều nhất ở vùng bờ biển "Atlantic Canada" và là một trong những ngọn hải đăng dễ nhận biết nhất trên thế giới.
Nova Scotia từng là nơi cứu hộ chuyến bay Swissair 111 của Thụy Sĩ cất cánh từ sân bay quốc tế John F. Kennedy của New York theo lộ trình đến Geneva chẳng may đã bị rơi ngoài khơi Peggy's Cove vào ngày 2.9.1998 và tất cả 229 người trên máy bay tử nạn. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, thu hồi xác máy bay và điều tra của chính phủ Canada kéo dài 4 năm rưỡi và tiêu tốn hơn 57 triệu đô la Canada.
Ngày nay, một đài tưởng niệm các nạn nhân của chuyến bay Swissair 111 đã được lập nên cách hải đăng vịnh Peggy hơn 1km theo đường chim bay nhằm tạo điều kiện cho du khách khi đến ngoạn cảnh làng đánh cá và hải đăng Peggy's Cove tiện thể viếng thăm, tưởng nhớ.
Được biết đến là nơi người châu Âu khai hoang, định cư sớm nhất ở Canada, ngày nay Nova Scotia còn bảo tồn nhiều thị trấn cổ với những ngôi nhà gỗ mang dấu ấn phong cách người Anh, kiểu dáng vô cùng đa dạng, không trùng lắp… Trong số đó, thị trấn cổ Lunenburg, cảnh quan Grand Pré là 2 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, bao gồm nhiều công xưởng đóng tàu, những tòa nhà hành chánh, khu định cư vẫn được giữ nguyên cấu trúc và diện mạo ban đầu từ thế kỷ 18 và 19… là bằng chứng điển hình nhất. Chưa kể 2 di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: thành cổ Halifax, pháo đài Louisbourg đã trải qua hơn 300 năm tuổi mặc cho thế sự thăng trầm.
Sẽ rất thiếu xót nếu không nhắc sự kiện ngành hàng hải Nova Scotia đã điều động nhiều con tàu đến vùng biển lạnh giá Newfoundland tham gia cứu hộ tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi gây ra tại nạn chìm tàu vào ngày 15.4.1912. Và 150 trong tổng số 1.514 nạn nhân xấu số đã được chuyển về thành phố Halifax, trong đó 121 thi thể theo đạo tin lành hoặc không có người nhận đã được chôn cất tại nghĩa trang Fairview, số thi thể còn lại vì lý do tín ngưỡng đã được chôn cất ở nghĩa trang quanh thành phố.
Đã trải qua hơn thế kỷ kể từ ngày con tàu gặp nạn, hàng ngày vẫn có nhiều nhóm khách đến nghĩa trang Fairview và đi giữa những hàng bia mộ bằng đá granite được xếp đặt thành hai đường cong tượng trưng cho hình dáng chiếc tàu để tưởng nhớ những nạn nhân bất hạnh. Phần đông khách thường dừng chân tại ngôi mộ nằm vị trí trang trọng ngay đầu hàng với hàng chữ ghi trên bia "Để tưởng nhớ đứa trẻ vô danh được phát hiện sau thảm họa tàu Titanic ngày 15.4.1912". Tuy nhiên, sau này, nhờ công nghệ phân tích gene (DNA) người ta mới xác nhận cháu là "Sidney Leslie Goodwin", một đứa bé 19 tháng tuổi quốc tịch Anh đã chết với cả gia đình gồm 8 người.
"Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san"
Tôi thường nghe dân chuyên lái xe motorhome du lịch xuyên quốc gia nói rằng: Trong vô số cung đường đẹp tại xứ sở lá phong có 2 cung đường nổi tiếng đặc biệt nên đến một lần trong đời. Một là đường Icefields Parkway ở phía tây tỉnh bang Alberta nối liền hai Vườn quốc qia Banff và Jasper, cả hai là di sản thế giới nằm trên dãy núi Rockies đầy tuyết trắng và nhiều khúc đoạn chạy song song với hàng trăm cảnh sông hồ, thác nước mang màu xanh ngọc thủy bảo.
Thứ hai là Cabot Trail nằm miền đông tỉnh Nova Scotia là cung đường vừa lãng mạn vừa yên vắng mơ màng kết nối Vườn quốc gia cao nguyên Cape Breton trên độ cao khoảng 400m so với mặt biển và bờ biển Đại Tây Dương. Nó được mang tên nhà thám hiểm người Ý John Cabot, người đã đi thuyền đến Bắc Mỹ vào năm 1497. Cho tới giờ, người ta vẫn chưa xác định được điểm dừng chân chính xác của ông, nhưng tinh thần khám phá của ông luôn được du khách đi trên đường Cabot nhắc tới như là một sự tri ân.
Thoạt tiên, khi nhìn con đường Cabot trên bản đồ tôi tự tin: Với đường xá thuận lợi, êm như ru thì nếu cố gắng có thể hoàn tất chuyến đi trong ngày. Nhưng khi đi được một phần ba đường, tôi chợt ngộ ra là điều không thể và vội điều chỉnh thời gian thêm 1 ngày. Bằng cách đó, chúng tôi có nhiều thời gian để đi trọn cung đường dài gần 300 km lúc xuyên rừng lúc chạy vượt qua nhiều đèo dốc ven biển tạo ra một vòng quanh đảo Cape Breton mà du khách tùy sở thích cá nhân có thể lái xe theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại.
Thêm nữa, chúng tôi cứ thoải mái dừng chân chụp ảnh khi không thể cưỡng lại sức quyến rũ của "Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san" với đủ sắc màu đỏ, vàng, cam, tím phơn phớt, nâu... xuất hiện khắp các tuyến đường hoặc mặc sức tản bộ vào những ngôi làng ở thung lũng sông Margaree dưới tán lá cây Red Maple rực rỡ và để dòng suy tưởng bay bổng theo mây trời gió núi.
Bình luận (0)