Khám phá mức giá 'trên trời' của hàng xa xỉ

22/05/2016 09:00 GMT+7

Sẽ không ít người từng thắc mắc vì sao những món hàng thời trang cao cấp luôn có mức giá choáng ngợp “trên trời”, nhưng điều gì cũng có lý do của nó.

Có nhiều lý do cơ bản như chất lượng nguyên liệu tốt, nhà thiết kế nổi tiếng và thương hiệu đình đám. Nhưng đâu mới là mức giá thật sự của chiếc áo Valentino, đôi giày CK hay chiếc túi xách Hermes Kelly bạn đang mang? Theo trang Fashion Beans, từ bản thiết kế của nhà tạo mẫu đến thành phẩm, sản phẩm phải đi qua rất nhiều công đoạn và tất cả quy trình sẽ phản ánh được mức giá bạn trả.
Giá chồng giá
Đầu tiên, các nhà thiết kế phải đầu tư cho logo của thương hiệu. Họ cần thời gian nghiên cứu mẫu logo nào sẽ thu hút người tiêu dùng và công ty phải trả tiền để đăng ký bản quyền thương hiệu. Tiếp theo là việc xác định nguyên liệu chính của sản phẩm, nguyên liệu càng tốt, hiếm và đắt sẽ đẩy giá thành lên càng cao. Ví như chiếc túi Hermes Birkin làm từ da cá sấu nước mặn, giá của nó có thể lên đến hàng trăm ngàn USD.
Sau đó, từ bản thiết kế, sản phẩm được thành hình qua khâu sản xuất trong nhà máy. Món đồ càng khó sản xuất, mất nhiều thời gian may, làm da như giỏ xách của Pháp hay làm tay công phu tỉ mỉ như giày của Ý, sẽ nâng giá thành lên bội phần. Riêng giày dép và túi xách, số tiền bạn trả là số tiền của chất lượng nguyên liệu và công người thợ chế tác.
Khám phá mức giá “trên trời” của hàng xa xỉ 2
Một chiến dịch quảng cáo của D&G Ảnh: D&G
Khi thành phẩm, hàng sẽ được đưa ra cửa hàng để bán. Nhưng một số thương hiệu không có cửa hàng riêng như Vetements hay Off-White sẽ giao cho một kênh bán lẻ. Bên thứ ba này sẽ “ăn tiền” theo sản phẩm và để có doanh thu, họ phải bán với mức giá ít nhất gấp hai lần giá từ nhà máy. Tuy nhiên, các cửa hàng phải trang trải rất nhiều chi phí như nhân công, thuê mặt bằng, chuyển hàng... nên mức giá sẽ được đề nghị tăng thêm gấp đôi, nghĩa là bạn phải trả gấp bốn lần giá trị của món hàng.
Các thương hiệu luôn phải đón đầu những xu thế tiếp thị, marketing hiện nay trước áp lực về doanh thu. Cuộc chạy đua cho những chiến dịch quảng cáo “ngốn” rất nhiều tiền như một phút xuất hiện trên show thời trang ở Anh tốn khoảng 10.000 bảng (hơn 300 triệu đồng). Nhãn hàng còn phải trả hàng ngàn USD cho các ngôi sao mạng xã hội để mặc đồ của hãng hoặc các bài quảng cáo trên tạp chí thời trang danh tiếng.
Rõ ràng, bạn không thực sự trả tiền với giá trị thực chất của chúng nhưng chính mức giá “trên trời” của các thương hiệu thời trang cao cấp khiến bao người say mê. Đơn giản vì con người thường ham muốn những thứ mình không thể có được. Điển hình như Burberry đã phạm một sai lầm lớn vào những năm 2000 khi thay đổi từ thương hiệu cao cấp sang những thiết kế khuôn mẫu với giá rẻ hơn. Cuối cùng, nhà mốt đã nâng giá trở lại để khách bình dân không thể với tới và hút hồn giới thượng lưu một lần nữa.
Tiền nào của đó
Mọi người quan niệm rằng số tiền chi trả càng nhiều thì sản phẩm sẽ tốt hơn. Một cuộc nghiên cứu của Công ty CalTech cho một nhóm người uống từng loại rượu khác nhau nhưng chất lượng rượu đều tương đương. Họ cho mọi người biết giá của các ly rượu và nhận thấy xu hướng đánh giá những ly rượu đắt tiền ngon hơn. Tương tự, một cái áo 200 USD xuất xứ từ Mỹ, Anh sẽ được cho là bền và tốt hơn một cái 2 USD từ Trung Quốc, Bangladesh.
Nhiều ý kiến cho rằng thà chi nhiều tiền cho món hàng tốt còn hơn tốn ít tiền cho những món hàng “dỏm”. CEO của Vetements, Gurum Gavsaila chia sẻ: “Cách tiết kiệm thông minh là mua một món hàng để sử dụng lâu dài, hơn là tốn tiền cho những thứ bạn sẽ vứt đi sau một tuần sử dụng”. Đó cũng là ý tưởng về thời trang nhanh (fast fashion) và thời trang bền vững (slow fashion) mà các nhà mốt lớn hướng tới: Bạn chỉ nên trả cho những gì bạn thực sự thấy đáng giá.

tin liên quan

Kiểu nghỉ dưỡng xa hoa tột bậc
Suốt hơn 100 năm qua, dù không ít dịch vụ giải trí nghỉ dưỡng ra đời nhưng dịch vụ nghỉ dưỡng trên du thuyền theo hình thức du lịch vẫn là thứ xa hoa bậc nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.