Quần thể chùa chiền, tượng phật Di Lặc tại khu vực hồ Thủy Liêm
Mây ngàn lãng đãng bao phủ núi Cấm vào buổi sáng sớm |
“Đà Lạt” ở miền Tây
Nằm ở độ cao trên 700 m nên khí hậu núi Cấm quanh năm luôn mát mẻ, dễ chịu. Sáng sớm, khi đặt chân lên đỉnh núi, du khách sẽ nghe tiếng chuông chùa vang vọng trong không gian tĩnh lặng, ngắm nhìn những đám mây bay lãng đãng làm khuôn mặt hiền từ của Phật Di Lặc lúc ẩn, lúc hiện. Không ít du khách cho rằng núi Cấm na ná như Đà Lạt. Nhiều loại hoa của Đà Lạt trồng ở đỉnh núi Cấm đều trổ bông và phát triển mạnh. Mới đây, một lãnh đạo huyện còn kiến nghị với tỉnh và các sở ngành liên quan hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để đem các giống hoa từ Đà Lạt về trồng, tạo cảnh quan cũng như phục vụ du khách thập phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho sơn dân nơi đây.
Từ sau khi gặp sự cố đá lăn, núi Cấm khá vắng khách. Tuy nhiên, giám đốc Khu du lịch núi Cấm cho biết ước tính chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, có trên 85.000 lượt khách đến tham quan núi Cấm (tăng trên 20%). Chính điều đó đã cho thấy núi Cấm vẫn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Vào đầu tháng 5, tượng phật Di Lặc trên núi Cấm cao 33,6 m vừa được công nhận kỷ lục châu Á. Đây được xem là thông tin quan trọng để quảng bá hình ảnh Khu du lịch núi Cấm với du khách.
Thu hút đông đảo khách tham quan
Liên tục trong nhiều tháng qua, hàng trăm đoàn khách từ khắp các tỉnh thành ĐBSCL, Bình Dương, TP.HCM… đến tham quan núi Cấm, cúng chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, leo đến các hang động, vồ, điện trên núi… Có rất đông du khách đến đây để cúng viếng và chiêm ngưỡng bức tượng Phật Di Lặc đặc tả nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả. Ban quản tự chùa Phật Lớn cho biết hiện tại, nhà chùa đang tu sửa và cất mới lại phần bên hông để nới rộng không gian, nhằm phục vụ du khách thập phương đến viếng trong dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sắp tới.
Vài năm trở lại đây, hồ Thủy Liêm đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên núi Cấm. Hồ Thuỷ Liêm rộng khoảng 6 ha, xung quanh được Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm trồng nhiều loại hoa kiểng, với màu sắc rực rỡ. Nhiều du khách đi bộ ngang cầu đỏ và thả cá phóng sinh. Nếu đến đây ngủ lại qua đêm, du khách có thể thả mình vào không gian tĩnh lặng, y như chốn bồng lai tiên cảnh.
Ngoài leo núi theo đường bậc thang, du khách có thể đi bằng xe lữ hành hoặc xe honda ôm lên núi, giá cả cũng vừa túi tiền. Ở núi Cấm còn có những món ăn rất ngon, đặc biệt là món bánh xèo núi ăn kèm với đủ các loại rau rừng, như: ngành ngạnh, chòi mòi, vừng, cát lòi, kim thất… Ngoài ra, vào mùa mưa, du khách có thể cùng sơn dân đi câu cua núi. Men theo các khe suối, cua núi thường trú ẩn trong các hốc đá. Nếu đem so sánh thì cua núi bỏ xa con cua đồng. Điểm khác biệt là con cua núi có cái yếm màu tím rất đẹp, càng to, thịt chắc và ngọt. Nhiều sơn dân ở đây cho biết cua núi là một trong những món ăn đặc sản của vùng Bảy Núi. Món cua núi rang me hiện nằm “chễm chệ” trong thực đơn của các nhà hàng trên núi Cấm. Anh Đinh Văn Kiếm, một sơn dân ở đây, nói: “Thịt cua núi ngon không thua gì cua biển nên rất hút hàng. Cua núi hiện không còn nhiều như trước. Nếu ai câu giỏi thì mỗi ngày được chừng 1 kg, bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg”.
Ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển du lịch An Giang cho biết Khu du lịch núi Cấm đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận và bình chọn là 1 trong 5 khu du lịch tiêu biểu của ĐBSCL. Tượng Phật Di Lặc vừa đón nhận bằng kỷ lục lớn nhất châu Á là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh. Với những tiềm năng và thế mạnh như vậy, núi Cấm thật sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Trường An
Bình luận (0)