Đó là những câu hỏi mà nhiều bạn trẻ thường đặt ra khi khám phá bản thân mình.
Khám phá bản thân là quá trình tự nhận thức bản thân, trẻ lên 3 đã có thể nhận thức những điều cơ bản nhất về bản thân mình như: giới tính, con của ai, học trường nào…
Quá trình nhận thức bản thân tiếp tục phát triển cùng với sự lớn lên của con người, mang tính sâu sắc và toàn diện ở giai đoạn đầu của người trưởng thành trẻ (18 – 25 tuổi) và dần dần mang tính ổn định, tạo nên phong cách riêng, bản sắc riêng ở mỗi người.
Khám phá bản thân là cách để mỗi cá nhân nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình; để chọn cho mình những công việc phù hợp; để có cách cư xử nghiêm túc hơn với chính bản thân, hoàn thiện mình; để tự điều chỉnh mình cho phù hợp với yêu cầu và sức ép của xã hội, để từ đó tìm ra sự tương hợp tâm lý với người khác, với nhóm, với cộng đồng xã hội.
|
Bạn là thanh niên hoặc quan tâm đến thanh niên? Quan điểm của bạn về vai trò, trách nhiệm chính trị của thanh niên ngày nay; tiếng nói về lòng yêu nước; tâm sự về ước mơ và hoài bão... Hãy bày tỏ qua mục Lá thư bạn trẻ bằng cách gửi ý kiến về địa chỉ: lathubantre@thanhnien.com.vn |
Ngược lại, những bạn trẻ đánh giá thấp bản thân mình thường có thái độ tự ti, nhút nhát, thụ động vì họ cho rằng mình yếu kém, thua thiệt mọi người, “mình không bằng ai”.
Cả hai sự đánh giá trên đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách. Có khi vì đánh giá không đúng năng lực của bản thân mà bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc khi đi chọn trường, chọn ngành học, khi nộp hồ sơ thi ĐH-CĐ hay khi đi xin việc, tìm người yêu…; cũng có trường hợp “leo quá cao” so với năng lực của mình, để rồi “té đau”.
Làm sao để mỗi người khám phá đúng về bản thân mình? Sau đây là một vài gợi ý nhỏ để mỗi người tự soi rọi lại chính mình, để xem mình là ai.
Hãy khám phá bản thân thông qua các bài trắc nghiệm khí chất, tính cách, năng lực trên sách báo, internet; nhưng nếu chỉ dựa vào đó thôi thì chưa đủ và chưa chắc đã hoàn toàn chính xác. Cần thông qua các hoạt động và giao tiếp thường ngày để ta biết mình là ai, mình có vị trí như thế nào trong nhóm bạn, trong gia đình, trong công ty…. Chính trong quá trình tương tác với người khác là dịp để ta nhận ra chân dung bản thân mình (bạn là tấm gương để tôi soi lại chính mình). Không những thế, những lời nhận xét, góp ý của bạn bè, người thân cũng chính là phương thuốc giúp bản thân nhìn lại mình, chấn chỉnh mình; nhưng cũng đừng quá tin vào người khác vì không phải tất cả những lời nhận xét của mọi người đều công tâm và khách quan. Lắng nghe góp ý của người khác là điều cần thiết, nhưng lắng nghe phải biết chọn lọc thì mới hiệu quả.
Hơn nữa, chính những việc ta làm hằng ngày cũng bộc lộ chân dung tâm lý của bản thân. Do đó, để khám phá và nhận thức đúng về bản thân mình, cần xem xét bản thân dưới nhiều góc độ khác nhau, thông qua các hoạt động và giao tiếp thường ngày.
Thêm vào đó, hằng ngày cần dành thời gian để nhìn ngẫm lại bản thân, nhìn lại những việc mình đã làm trong ngày có thể là trước khi đi ngủ, lúc đi bộ hay một lúc rảnh rỗi nào đó.
Với kinh nghiệm của bản thân tôi, ghi nhật ký, blog hay tâm sự cùng với một người bạn tốt “tâm đầu ý hợp” cũng là dịp để nhìn nhận rõ hơn về bản thân mình.
Phan Hồng
Bình luận (0)