Khám phá thể thao điện tử Hàn Quốc

31/08/2015 13:00 GMT+7

Mỗi khi nói về Thể thao điện tử Hàn Quốc thì chắc hẳn các bạn cũng không lạ gì cụm từ PC Bang. Cụm từ này bắt đầu phát triển kể từ khi Starcraft mới nổi tại xứ Kim Chi.

Sau khi đã biết sơ sơ về thể thao điện tử (eSports) là gì? Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc eSports ra đời như thế nào và tại sao nó lại phổ biến đến như vậy? Khái niệm eSports ra đời từ khá lâu, nhưng đỉnh điểm của sự phổ biến thì gắn liền với cái tên Starcraft và đất nước Hàn Quốc.

Game Starcraft. (Blizzard)

Có 1 sự thật hiển nhiên rằng, Starcraft là trò chơi cực kỳ phổ biến tại Hàn Quốc so với những quốc gia còn lại, thậm chí kể cả nước làm game đó (Mỹ). Mặc dù được phát hành trong năm 1998, nhưng thậm chí  12 năm sau game vẫn được yêu thích. Tính đến năm 2008 đã có hơn 9,5tr bản game Starcraft 2 được bán ra toàn cầu, trong đó Hàn Quốc chiếm 4,5 tr bản.

Tuy nhiên sự thành công của Starcraft tại Hàn Quốc vượt xa doanh số của trò chơi. Lần đầu tiên trên thế giới Starcraft bước lên vũ đài điện tử là tại Hàn Quốc, với giải đấu Korea Pro Gaming League trong năm 1998. Ngoài ra, không chỉ 1 mà tới 2 đài truyền hình cáp phát sống các trận đấu giữa những tuyển thủ Starcraft chuyên nghiệp . Những trận đấu offline tại phòng quay hay sân vận động thu hút hơn 100.000 người tham dự.

Đây là thể thao điện tử Hàn Quốc trong năm 1998.  (TeamLiquid)

Trong số những người nổi tiếng nhất của làng Starcraft lúc bấy giờ phải kể đến 2 cái tên nổi bật như Lim Yo-Hwan và Yi Yoon-Yeol – những người có lượng fan vài thu nhập không thua kém gì giới nghệ sĩ Hàn Quốc thời bấy giờ và luôn có vệ sĩ hộ tống.

Để tìm hiểu lý do tại sao Starcraft trở thành bộ môn thể thao quốc gia tại Hàn Quốc nói riêng cũng như sự bùng nổ của thể thao điện tử nói chung, chúng ta phải bắt đầu từ cội nguồn của nó.

"Hoàng đế" Starcraft, Lim Yo-Hwan và vợ. (TeamLiquid)

Phòng net lên ngôi

“PC Bang” là cụm từ dành để chỉ các phòng máy chơi game tại Hàn Quốc. Những phòng máy này được trang hoàng khá hiện đại và có khoảng từ 50-200 máy với cấu hình mạnh, ghế ngồi thoải mái và tất nhiên không thể thiếu những chi tiết nội thất được thiết kế sang trọng.

Sự tăng trưởng một cách nhanh chóng của PC Bang đã tác động khá lớn đến môi trường kinh doanh tại Hàn Quốc. Một trong những yếu tố quan trọng đó là lượng lớn những người đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn muốn kiếm thêm thu nhập.

Khi phòng net được mở ra, hầu hết khách hàng lúc đó chỉ cần 4-5 tựa game online mà thôi (bao gồm game Starcraft). Ngành kinh doanh này thậm chí còn tốt hơn cả ngành kinh doanh game “máy thùng”, khi mà mỗi chiếc “máy thùng “ khá mắc tiền và chỉ chơi được 1 trò duy nhất.

Sự ra đời của PC Bang tại Hàn Quốc.

Với sự phát triển nhanh chóng của PC Bang, Hàn Quốc chấp nhận đầu tư ồ ạt vào hạ tầng Internet trong những năm cuối 1990. Thời điểm đó hệ thống mạng của xứ Kim Chi được xem là một trong những nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới.

Ngọn gió xu hướng của các game online (bao gồm cả Starcraft) đòi hỏi các mô hình phòng máy như PC Bang cần phải có nhiều hơn nữa. Và đúng như thế, không bao lâu sau các hệ thống PC Bang mọc lên như nấm tại Hàn Quốc.

Trong thời điểm bùng nổ đó, các phòng máy PC Bang lớn bắt đầu phát triển thương hiệu của mình bằng việc đầu tư cấu hình máy tốt hơn cũng như thiết kế nội thất các phòng máy của họ đồng bộ hơn. Các công ty máy tính cũng bắt đầu tham gia vào ngành kinh doanh đầy tiềm năng này với việc giảm giá thành các linh kiện máy tính để phục vụ cho các phòng máy PC Bang mọc lên liên tục. Với sự phát triển vũ bão trên, việc các nhà đài truyền hình sẽ tham gia vào vòng xoáy này chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Truyền hình Hàn Quốc cũng thu lợi từ Starcraft. 

Kết quả là Starcraft đã trở thành một tiêu chuẩn chứ không phải là một sự lựa chọn nữa. Có hàng tá những game Chiến thuật thời gian thực khác (Real-time Stategy) khác cũng có giá trị giải trí không kém Starcraft. Nhưng một khi game này đã được lựa chọn để trở thành một tiêu chuẩn cho 1 phòng máy PC Bang thì nó vẫn sẽ thống trị trong một thời gian dài (tương tự như trò Liên Minh Huyền Thoại tại các phòng máy ở Việt Nam). Giá trị cốt lõi của những tựa game này là việc càng nhiều người chơi sẽ càng thú vị. Đó là lý do tại sao Starcraft đã tồn tại ở Hàn Quốc được 17 năm kể từ khi trò chơi được cho ra mắt (1998).

Kẻ xâm lược mang tên Starcraft

Starcraft trở nên rất phổ biến ở Hàn Quốc vì trò chơi đã có danh tiếng từ trước (như trên), tiếp đó được khuếch đại bằng cách trở thành một phần của xu hướng kinh doanh. Tiếp theo đó phát triển hơn nữa bằng cách tham gia vào các chương trình giải trí của đài truyền hình và các kênh truyền thông khác. Nhưng lý do gì mà khiến Starcraft lại có thể chiếm được cảm tình của các phòng máy PC Bang trong quãng thời gian ban đầu? Người Hàn Quốc tin rằng sự phổ biến của Starcraft bắt nguồn từ nội dung hấp dẫn của chính bản thân nó.

Để hiểu rõ hơn về chỗ đứng của Starcraft trong lịch sử game máy tính, chúng ta cần biết thuật ngữ Chiến thuật thời gian thực (RTS) khi game vừa được phát hành. Vào năm 1998, có 3 tựa game nổi tiếng nhất lúc bấy giờ của dòng game RTS - WarCraft (được phát hành bởi Blizzard Entertainment),  Command & Conquer (được phát hành bởi Westwood Studio) và Total Annihilation (được phát hành bởi Cavedog Entertainment).

Nếu nói về lối chơi, Total Annihilation được đánh giá là trò chơi hay nhất. Giao diện trong game được thiết kế một cách hợp lý và bắt mắt, các yếu tốt giao diện của Total Annihilation có thể được thấy trong các game thể loại RTS trong thời gian đó.

Sở hữu cho mình cấu hình tiên tiến lúc bấy giờ, các đơn vị trong game đều được thiết kế 3D. Nhưng cấu hình cao cũng khiến trò chơi gặp nhiều trở ngại, nó yêu cầu máy Pentium 133 Mhz và 24 MB RAM để chạy một cách mượt mà. Nghe có vẻ khá nực cười về cấu hình khi so sánh với hiện nay, nhưng vào năm 1997 đó là cấu hình cực kỳ cao. Mặc dù được kha khá người tung hô, nhưng số đông người chơi vẫn không thích thú cho lắm bởi vì yêu cầu về cấu hình quá cao.

Ban đầu game Command & Conquer (Red Alert) của Westwood Studio là đã đánh bại Blizzard với việc người chơi có thể đánh nhiều người online. Mặc dù thế, Red Alert vẫn không thể nào so sánh được với Starcraft. Cốt truyện hấp dẫn, có nhiều đơn vị hải quân và không quân đầy sáng tạo, nhưng  như vậy vẫn chưa đủ để tạo ra được lối chơi đổi mới. Đặc biệt là sự mất cân bằng của đơn vị lính Mammoth Tanks của phe Soviet. Với đơn vị lính cực mạnh này, những người chơi online thường xuyên sử dụng nó khi đối đầu với người chơi khác.

Ngược lại, với sự cân bằng của 3 chủng tộc trong Starcraft đã được thể hiện rõ ngay từ lúc trò chơi được ra mắt. Thêm vào đó, chủng loại đơn vị đa dạng, góc quay độc đáo, cốt truyện hấp dẫn cùng với cộng đồng người chơi hoạt động thường xuyên đã khiến trò chơi này dành được nhiều cảm tình từ rất nhiều người chơi trên toàn thế giới.

Kể từ lúc Starcraft ra mắt, chỉ có duy nhất hệ thống Battle.net của Blizzard là đối thủ cạnh tranh xứng tầm mà thôi. Bởi vì cả 2 đều có hệ thống cực kỳ hấp dẫn đó là đấu xếp hạng, tìm đối thủ xứng tầm với người chơi.

Với những lợi thế đó, Starcraft đã trở thành trò chơi nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian đó. Hiện tại, trò chơi đã nâng cấp lên thành Starcraft 2 và bản mở rộng mới nhất là Legacy of the Void nhưng trò chơi này vẫn chưa mất đi vị thế của mình. Các hệ thống giải đấu chuyên nghiệp nổi tiếng như Proleague, World Championship hay GSL vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ.

Quảng cáo game Starcraft II trên máy bay của hãng hàng không Korean Air.

Kết luận

Có thể nói rằng sự phát triển vượt bật của PC Bang tại Hàn Quốc không thể không kể đến sự đóng góp cực kỳ quan trọng của tựa game đầy hấp dẫn (như Starcraft) và những nhà đầu tư muốn có thêm thu nhập nhưng không cần làm công việc nặng nhọc. Và hiện trạng của các phòng máy ở Việt Nam cũng tương tự. Với sự góp phần không nhỏ của Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 và các tựa game khác, các tiệm net giờ đây ở Hồ Chí Minh đang mọc lên như nấm.

Hết phần 1, trong phần 2 chúng ta sẽ nói đến “Sự suy thoái của eSports và ‘nàng tiên’ mang tên Liên Minh Huyền Thoại” 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.