Trong hơn một chục phán quyết tuyệt mật, Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISC) của Mỹ đã tạo ra một cơ sở luật bí mật cho phép Cục An ninh Quốc gia (NSA) có quyền thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về các công dân Mỹ.
Đối tượng thu thập dữ liệu của NSA không chỉ tập trung vào các nghi can khủng bố mà còn cả những người có khả năng liên quan đến các hoạt động phổ biến hạt nhân, gián điệp hoặc tấn công mạng, theo các quan chức Mỹ.
Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay các phán quyết tiết lộ FISC đảm nhiệm một vai trò rộng lớn bằng cách thường xuyên xem xét các vấn đề hiến pháp và đưa ra các án lệ quan trọng, mà gần như không được giám sát bởi công chúng.
Người bảo vệ hiến pháp
|
Vào thập niên 1970, Thượng viện Mỹ đã triệu tập một ủy ban có tên gọi Ủy ban Church để điều tra việc do thám trái phép công dân Mỹ của các cơ quan tình báo như NSA, CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI), sau khi một số hoạt động nhất định bị tiết lộ trong vụ Watergate. Cuộc điều tra của ủy ban đã dẫn đến việc thông qua Đạo luật Do thám Tình báo nước ngoài (FISA) vào năm 1978.
Theo đạo luật này, một tòa án có tên Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISC) sẽ xem xét các yêu cầu của nhánh hành pháp nhằm theo dõi các điệp viên nước ngoài hoạt động tại Mỹ. Hoạt động trong bí mật, FISC sẽ bảo vệ những thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm đồng thời kiểm tra việc lạm quyền của chính phủ.
“Mục đích của tòa án là cung cấp sự kiểm tra tư pháp đối với hoạt động do thám được phê chuẩn mà trước đây do nhánh hành pháp tự ra quyết định trong quyền hạn của họ”, Giám đốc Viện An ninh Quốc gia và Chống khủng bố thuộc Đại học luật Syracuse (Mỹ) William C. Banks nói với đài phát thanh DW ở Đức.
Tối cao Pháp viện thứ hai
Trước đây, tòa án gồm 11 thành viên chủ yếu chỉ tập trung vào việc phê chuẩn từng vụ nghe lén. Tuy nhiên, kể từ khi việc giám sát các hoạt động tình báo được mở rộng cách đây sáu năm, FISC đã lặng lẽ trở thành một tòa án gần như hoạt động song song với Tối cao Pháp viện, phục vụ như là cơ quan phân xử cuối cùng cho các vấn đề do thám và đưa ra những ý kiến gần như sẽ thay đổi cách thức hoạt động tình báo trong nhiều năm nữa, theo New York Times.
Dù chức năng ban đầu của FISC là nhằm bảo vệ các quyền hiến định của công dân Mỹ, cơ quan tư pháp bí mật này đã liên tục phê chuẩn số lượng lớn các vụ do thám của chính phủ liên bang trong năm năm qua.
Thông thường, FISC phê chuẩn những yêu cầu của chính phủ về việc theo dõi những cá nhân cụ thể bị nghi ngờ là điệp viên nước ngoài. Tuy nhiên, những tiết lộ của cựu nhân viên CIA từng cộng tác với NSA Edward Snowden vào tháng trước cho thấy chương trình do thám nội địa của cộng đồng tình báo Mỹ ngày càng trở nên bừa bãi.
Snowden đã tiết lộ với tờ The Guardian một chỉ thị bí mật của tòa án buộc hãng viễn thông Verizon cung cấp dữ liệu điện thoại của khách hàng cho NSA. Chuyên gia máy tính 30 tuổi sau đó đã công khai chương trình do thám có tên gọi PRISM, vốn thu thập và lưu trữ liên lạc qua internet trong cơ sở dữ liệu của NSA mà không có lệnh khám xét của tòa án.
Dù Tổng thống Barack Obama và các cố vấn tình báo biện hộ rằng chương trình do thám bị Snowden tiết lộ chủ yếu dùng để chống khủng bố, FISC cũng diễn dịch luật nhằm mở rộng mục tiêu sang những mối lo ngại an ninh quốc gia khác. Chẳng hạn, trong một vụ việc mới đây, các quan chức tình báo được phép truy cập vào một email đính kèm gửi đi trong lòng nước Mỹ bởi họ lo ngại rằng email chứa một biểu đồ có khả năng liên hệ đến chương trình hạt nhân của Iran.
Trong quá khứ, hành động này cần có lệnh khám xét của tòa án bởi email khả nghi là liên lạc trong lòng nước Mỹ. Tuy nhiên, một điều khoản bổ sung ít được chú ý vào năm 2008 đã mở rộng định nghĩa của “tình báo nước ngoài” để bao gồm cả “vũ khí hủy diệt hàng loạt” và điều này được FISC sử dụng để biện hộ cho việc do thám email nói trên.
Việc sử dụng định nghĩa đó cho phép các quan chức tình báo truy cập vào lượng dữ liệu liên lạc rộng lớn hơn mà họ cho rằng có khả năng liên hệ đến việc phổ biến hạt nhân, theo các quan chức Mỹ giấu tên. Theo các quan chức, các kết luận bí mật khác của tòa án đã nới lỏng việc truy cập dữ liệu về gián điệp, tấn công mạng và các nguy cơ tiềm tàng khác có liên hệ với tình báo nước ngoài.
“Định nghĩa “tình báo nước ngoài” rất rộng. Một mục tiêu gián điệp, mục tiêu phổ biến hạt nhân, tất cả đều thuộc phạm vi của FISC và tòa án đã ký các quyết định về việc này”, một cựu quan chức tình báo nói với tờ New York Times.
Không giống Tối cao Pháp viện, FISC chỉ nghe trình bày từ một phía là chính phủ và kết luận của họ gần như không bao giờ được công khai. FISC có cả Tòa phúc thẩm để giải quyết kháng cáo song tòa này chỉ được thành lập một vài lần trong lịch sử của FISC, theo New York Times, và chưa có vụ việc nào được chuyển lên Tối cao Pháp viện. Thực tế, hiện không rõ các hãng internet và điện thoại bị buộc cung cấp dữ liệu có quyền xuất hiện trước FISC để tranh tụng hay không. (Còn tiếp)
Sơn Duân
>> Edward Snowden có tài liệu gây 'ác mộng' cho Mỹ
>> Nam Mỹ phản ứng mạnh vụ Snowden
>> Edward Snowden xuất đầu lộ diện, xin tị nạn ở Nga
>> Edward Snowden sẽ tiếp xúc với các nhà hoạt động nhân quyền
>> Mỹ - Trung bất đồng sâu sắc về Snowden
>> Vụ Edward Snowden giảm nhiệt, WikiLeaks hụt tiền
>> Snowden xin tị nạn tại Venezuela
>> Edward Snowden: Tình báo Mỹ, Đức và nhiều nước khác “nằm chung giường”
Bình luận (0)