Nghiên cứu mới xác nhận có sự trải nghiệm khi con người đang trên bờ vực của sự sống và cái chết, một bước tiến trong nỗ lực tìm hiểu điều gì đã xảy ra vào lúc đó.
Gần 20% số người vẫn tiếp tục sống sau khi tim ngừng đập đã kể lại những trải nghiệm mạnh mẽ lúc họ tiến gần đến cái chết. Họ luôn mô tả về một cảm giác an bình và thanh thản tràn ngập lòng. Hầu như người nào cũng đề cập đến một đường hầm tối đen với ánh sáng chói lóa ở đầu bên kia. Có người còn nói rằng đã gặp những người thân yêu qua đời từ lâu. “Không ít người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy họ đã thực sự lên thiên đàng”, NPR dẫn lời Jimo Borjigin của Đại học Michigan (Mỹ), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nhằm giải thích tất cả những điều trên khi cái chết ập đến đối với một cá nhân.
Chuyên gia Borjigin lý luận rằng nếu trải nghiệm cận cái chết đến não, phải có những dấu hiệu nào đó, một số hoạt động có thể đo được vào thời điểm quả tim ngưng đập. Tuy nhiên, rất khó để nghiên cứu vấn đề này ở người, nên Borjigin và đồng sự quyết định thí nghiệm trên chuột. Họ cấy 6 điện cực vào não của 9 con chuột, tiêm thuốc độc cho chúng và thu thập các biểu đồ đo đạc chi tiết nhất về hoạt động não bộ khi các con vật giẫy chết. Và kết quả hết sức ấn tượng. Đúng vào lúc tim của chuột ngừng đập, não chuột diễn ra một đợt bùng nổ hoạt động. Não chúng đột ngột giống như bị quá tải, cho thấy mọi dấu hiệu ngập tràn không những của ý thức mà còn là một dạng “siêu thức”. “Chúng tôi phát hiện hoạt động liên tục và dâng cao của não”, bà Borjigin nói. Theo đó hoạt động ý thức cao gấp nhiều lần bình thường sau khi tim ngừng đập, trong vòng 30 giây đầu tiên.
|
Đó là lý do Borjigin và đồng sự cho rằng họ đã tìm được cơ sở thần kinh học của hiện tượng bí ẩn trên. “Điều mà chúng tôi phát hiện thật sự nhất quán với những điều thiên hạ hay nói”, bà cho biết. Chuyên gia này cho rằng hiện tượng đó trên thực tế có thể là do bộ não lâm vào tình trạng báo động để tồn tại, trong lúc cố gắng xử lý mọi hoạt động đồng loạt của các tế bào thần kinh, giống như là một dạng căng thẳng hơn của giấc mơ. “Trải nghiệm cận cái chết có lẽ là sản phẩm phụ đến từ nỗ lực của não bộ nhằm bám víu sự sống”, theo Borjigin.
Nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng khen ngợi cuộc nghiên cứu của nhóm Borjigin, được đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences. “Nó cho chúng ta thấy những gì xảy ra khi bộ não đang chết dần với những chi tiết đáng kể nhất từ trước đến nay”, theo Christof Koch của Viện Khoa học não Allen tại Seattle. Ông diễn giải, khi bấm công tắc đèn ánh sáng lập tức tắt đi, trong khi đó bộ não lại diễn ra những hoạt động chuyển đổi trạng thái phức tạp.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với kết luận của nhóm Đại học Michigan, khi cho rằng diễn biến ở chuột không thể áp đặt lên con người. Sam Parnia của Đại học Stony Brook ở New York, người cũng đang nghiên cứu về trải nghiệm tương tự, chỉ ra một điểm quan trọng, rằng giới khoa học chưa từng nắm được chứng cứ cho thấy chuột có khả năng trải nghiệm cận cái chết, hoặc bất cứ loài vật nào khác làm được điều này.
Đáp trả, Borjigin và Koch cho rằng não chuột và người có sự tương đồng vừa đủ để có thể kết luận chúng có thể hoạt động tương tự như nhau trong lúc chết. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận cuộc nghiên cứu mới chỉ là bước tiến đầu tiên trong nỗ lực tìm hiểu cơ chế thần kinh của trải nghiệm mà ai cũng sẽ qua một lần.
Phi Yến
Bình luận