Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau gần 2 năm ở nhà. Sân bay Heathrow (London) đông kinh hoàng. Hàng ngàn người kiên nhẫn xếp hàng gần 3 tiếng đồng hồ dẫu thủ tục thông quan chỉ diễn ra trong vòng mấy mươi giây. Cuối cùng tôi cũng được nhập cảnh, tới chỗ xét nghiệm Covid-19, để được đi du lịch khắp đất nước này.
Cháo lòng ở London
Tôi tới nhà của Trang, một độc giả “đại gia” xưa ở Việt Nam, giờ an phận với chồng và hai đứa con trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô London. Chị Ngân, một doanh nhân triệu phú đô la ở Việt Nam đang theo chồng ở Preston, cũng ghé lại. Sau đó có thêm chị Liên từ Birmingham tới nhập hội. Mấy năm không gặp, chúng tôi ríu ra ríu rít như ong vỡ tổ. Cứ như tiếng Việt đẹp tươi được tung bay khắp bầu trời Anh quốc mù sương vậy.
Trong bếp, Trang chuẩn bị nem chua, bánh in và cả sầu riêng cho mọi người. Hai vợ chồng xắn tay vô bếp nấu món cháo lòng thần thánh đãi chúng tôi. Ở đây có chợ châu Á, lòng tươi xanh, tim cật gan gì cũng đủ cả. Đặc biệt có cả huyết heo tươi để làm dồi và nấu kèm cháo.
Trong khi tụi trẻ con ăn cá với khoai tây chiên, người lớn cứ ngóng trông cháo lòng. Tô cháo để lên bàn, rắc ít tiêu và hành ngò thơm phức. Đĩa lòng, gan, sụn, thêm ít dồi và huyết, kèm chén mắm ớt tỏi giã nhuyễn với mớ rau một bên. Nhìn thôi là bụng đánh lô tô, muốn bưng húp ào ào nhưng sợ người ta đánh giá mình phàm phu tục tử. Buổi tối, trời London se lạnh. Múc một muỗng, đưa lên miệng thổi cho nguội. Húp cái rột. Cháo xuống cổ, vị ngọt và mềm của cháo lan tỏa hết cả châu thân. Gắp miếng lòng, chấm nước mắm, nhai sừn sựt. Bao tinh túy trong ruột heo ngọt ở đầu môi. Miếng gan bùi bùi, beo béo. Sụn giòn tan trộn lẫn nước mắm thơm lừng. Buột miệng la làng, có tô cháo nào ngon hơn tô cháo này không?
Sáng hôm sau, trong khi khách còn ngủ trên lầu thì dưới này Trang dậy sớm tiếp tục trổ tài nấu bún bò Huế đãi khách. Trời ơi, mùi mắm ruốc thơm lừng đánh động tâm hồn khiến tôi phải nhổm đầu dậy. Thiệt tình không biết mình đang ở giữa nước Anh hay làng quê Việt Nam thân yêu nào đó mà mùi thức ăn đẫm đầy chất Việt thân thương lan tỏa. Ngoài bún bò Huế, Trang còn kho thêm nồi cá basa với tiêu để chị Ngân mang về Preston ăn dần vì ở đó chồng con toàn ăn món Tây, không chịu được mùi nước mắm. Mấy tô bún bò đầy ắp nạm với chả cua được dọn ra. Ai muốn ăn gì thì cứ múc thêm. Tôi vốn “đạo” bún bò. Có thể ăn ngày này qua tháng khác, năm nọ xọ năm kia, nên cứ thế ngồi ăn ngon lành. Trang hỏi ngon không anh? Tôi chỉ vào tô bún sạch bách của mình thay cho câu trả lời chân thành nhất.
Bữa tiệc món Việt bất ngờ giữa lòng Zurich
Tạm biệt London, mấy chị em hẹn năm sau trở lại để tám chuyện đời và ăn món ngon Trang làm, tôi bay sang Thụy Sĩ thăm Uyên, cô bạn học cấp hai, hơn 25 năm không liên lạc. Uyên giờ là bà chủ tiệm nail trong một trung tâm thương mại. Tiệm nhỏ thôi, nhưng mùa dịch mà khách xếp hàng từ ngoài tới trong. Thợ làm không kịp ngơi tay. Gặp nhau, chỉ 5 phút thôi mà hai đứa nói đủ chuyện trên đời.
Hôm sau, Uyên đóng cửa nghỉ làm, chở tôi đi chơi. Buổi sáng, chúng tôi ăn nhẹ ở Zurich, Thụy Sĩ. Trưa, ăn hơi nặng ở Liechtenstein - một trong những đất nước nhỏ nhất châu Âu. Chiều, qua Áo ăn buffet của người Trung Quốc. Coi như trong một ngày mà chúng tôi đã đi qua 3 nước rồi đó. Hôm sau, Uyên tiếp tục đóng tiệm, rủ thêm nhân viên đi tới hồ Brienz, ở làng Interlaken, nổi tiếng trong cộng đồng người châu Á trên toàn thế giới từ bộ phim Hạ cánh nơi anh của Hàn Quốc. Hôm ấy trời không nắng, mây mù, nhưng làn nước trong xanh, khung cảnh thanh bình của làng quê Thụy Sĩ thiệt tình làm người ta chẳng muốn rời xa nửa bước.
Món ăn Việt Nam giữa mùa dịch châu Âu |
HỮU TÀI |
Lúc đầu Uyên tính chở tôi qua Pháp ăn buffet hải sản. Nhưng đồ Tây ngán quá, dù rất muốn sang Pháp check-in sống ảo nhưng tôi cũng nói Uyên là tôi thèm món Việt quá. Dễ thôi. Uyên nhấc máy lên gọi rồi cả nhóm lái xe chạy về lại Zurich. Cô ấy dắt bọn tôi lên lầu. Đứng trong thang máy đã nghe tiếng nhạc Việt Nam dập dìu. Cứ tưởng tới nhà hàng nào đó vắng người, ai ngờ Uyên dắt chúng tôi vô một buổi tiệc sinh nhật gần cả trăm khách. Hơn năm nay dịch giã có tiếp xúc với ai đâu. Đi làm thì đeo khẩu trang, về nhà cũng quẩn quanh với người thân, không dám đi ăn nhà hàng này nọ các kiểu. Vậy mà giờ đây hòa chung với cả trăm người không khẩu trang nên tự nhiên thấy ngại. Tôi tự trấn an, ai cũng tiêm phòng cả rồi. Mình cũng hai mũi, không sao đâu.
Thì ra không phải Uyên dẫn chúng tôi đi dự tiệc sinh nhật. Mà bà chủ nhà hàng nhân làm tiệc, đã nấu thêm một ít cho khách quen tới ngồi bàn riêng. Thế là chúng tôi được ăn đủ các món Việt trên đời. Mỗi thứ một ít. Từ bánh xèo, bánh khọt, tới phở, hủ tiếu, bún bò, kèm bánh ngọt và các loại chè. Hòa với tiếng cười đùa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thân thương và những bài hát Việt quen tai, tự nhiên trong phút chốc, tôi cứ ngỡ mình đang đứng giữa quê hương, chứ không phải giữa lòng châu Âu cổ kính.
Bình luận (0)